Du xuân qua miền lễ hội

HOÀNG LIÊN 02/03/2015 16:24

(QNO) - Mùng 10 và 11 tháng Giêng, khắp vùng Đại Lộc, Thăng Bình lại rộn ràng với lễ hội bà Phường Chào (bà Chợ Được), vị thần nữ từng được triều đình hai lần ban sắc phong và được dân gian ca tụng.
Mùng 10 tháng Giêng, nhân dân Đại Lộc lại nô nức tập trung về khu vực lăng mộ bà Phường Chào tại khu Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa) để trẩy hội xuân. Đối với người dân Đại Lộc, lễ kỷ niệm sắc phong bà Phường Chào là hoạt động tín ngưỡng tâm linh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cụ Mai Tám (80 tuổi) kể, bà Phường Chào tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1.800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay là thôn 10, xã Đại Cường, Đại Lộc) nên người dân gọi bà là “Bà Phường Chào”.

Cúng tế tại lăng bà Phường Chào (Ái Nghĩa, Đại Lộc). Ảnh: H.L
Cúng tế tại lăng bà Phường Chào (Ái Nghĩa, Đại Lộc). Ảnh: H.L

Tương truyền, bà là tiên giáng thế, thích mặc vải lụa điều, ưa vỗ về, nô giỡn, ca múa với trẻ em, thích hát bội và thích đua ghe. Lớn lên, bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở trần gian được 17 năm, bà tạ thế và hiển linh tại đất Phường Chào, cứu dân độ thế. Hằng năm, dân làng vùng Đại Lộc đều tổ chức lễ vía bà vào ngày 25 tháng Chạp và chọn ngày 19.11 làm ngày giỗ bà bên cạnh lễ kỷ niệm ngày bà được phong sắc, tức mùng 10 tháng Giêng. Cũng theo cụ Mai Tám, ngày trước lăng mộ bà nằm ở đất Phường Chào, đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), Tổng đốc Quảng Nam sợ sông đào Ái Nghĩa làm lở mất mộ bà nên cho cải táng về làng Phước Yên, nay là gò cao thuộc Gò Muồng (tức thị trấn Ái Nghĩa ngày nay).

Hát bội phục vụ dân làng tại lăng bà. Ảnh: H.L
Hát bội phục vụ dân làng tại lăng bà. Ảnh: H.L

Đặc biệt, dù chỉ là một lễ hội ở quy mô làng nhưng lại thu hút đông đảo người dân, khách thập phương tụ về trẩy hội. Tại khu vực lăng mộ bà ở một gò cao thuộc khu Hoán Mỹ, sau phần nghi lễ cúng thổ thần là tới mục hát lễ kể về xuất xứ cũng như tôn vinh, tri ân công đức của bà và cầu ban phước lộc, mùa màng tốt tươi. Tiếp đó, ban hạ tự thực hiện nghi thức kỵ cơm bà với phần cúng bái, tế văn và phần dân làng dâng hương bà, cầu xin lộc tài đầu năm.

Sau phần nghi lễ là phần diễn xướng với trích đoạn vở tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn” do đoàn tuồng Sông Thu (Đà Nẵng) biểu diễn phục vụ dân làng và khách thập phương. Ông Lương Đức Ngơm - Trưởng ban tổ chức lễ tự, đồng chánh bái tại lễ hội cho hay: “Từ năm 1997, khi lăng mộ bà được phục dựng tới nay, hằng năm nhân dân quanh vùng và thập phương cùng chung tay đóng góp để lễ tế bà diễn ra tươm tất. Đáng quý là lễ hội năm nào cũng diễn ra trật tự, nề nếp, dù đậm nét truyền thống tâm linh song không có tình trạng thiếu lành mạnh, đồng bóng”.

Không chỉ người dân Đại Lộc mà cả dân làng Phước Ấm, Bình Triều, Thăng Bình luôn truy tụng công đức của vị thần nữ hiển linh lập chợ, dựng làng. Vì vậy, lâu nay, dân làng khắp vùng Bình Triều nói riêng, Thăng Bình nói chung đều truyền tụng câu ca: “Hằng năm mười một tháng giêng/Xem cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân”.

Năm nay, Lễ rước cộ bà Chợ Được (bà Phường Chào) được tố chức đặc biệt hơn khi được Bộ VH-TT&DL công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Sáng 11 tháng Giêng, khu vực lăng bà Chợ Được - vị thần nữ được nhà Nguyễn phong thần hai lần: Năm Thành Thái thứ 6 (1894) với mỹ hiệu: “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần” và năm Khải Định thứ 4 (1919) với mỹ hiệu “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần” long trọng lễ cúng thổ thần, cúng cơm bà, rước sắc phong, hát lệ bà.

Ông Nguyễn Tấn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho hay, nhằm kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương và chào mừng sự kiện Lễ hội rước cộ bà Chợ Được được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, năm nay lễ hội diễn ra với quy mô lớn và nội dung cũng phong phú hơn. Cùng với nghi lễ cúng bái tại dinh bà, nghi lễ rước sắc, rước cộ, địa phương còn tái hiện lại hình ảnh chợ quê với những sản vật dân dã vùng miền. Ngoài ra có có hội đua thuyền, đá bóng. “Có thể thấy, lễ hội cộ bà Chợ Được đã trở thành hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh độc đáo. Qua đó, cầu mong cuộc sống an bình, hạnh phúc, nhắc nhớ con cháu về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông” - ông Nguyễn Tấn Vinh nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du xuân qua miền lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO