Việc đưa “ánh sáng thông minh” vào lớp học góp phần tiết kiệm năng lượng đã được ứng dụng thành công tại 5 trường học ở Quảng Nam. Đây là kết quả từ đề tài nghiên cứu “Ứng dụng phát triển công nghệ chiếu sáng lớp học thông minh tiết kiệm năng lượng”, do ThS.Nguyễn Bình Khánh Viện Khoa học năng lượng (Viện KH&CN Việt Nam) chủ trì.
Trường Tiểu học Sơn Phong (TP.Hội An) là một trong 5 trường học đã đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng lớp học thông minh từ năm 2018 đến nay. Hệ thống được lắp đặt tại 2 lớp học, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn điện lưới bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời. Hệ thống chiếu sáng này sử dụng hệ thống bóng đèn led được trang bị ở 3 dãy lớp học với tổng công suất 240W, sử dụng điện áp đầu vào là 180 - 265 VAC.
Cô giáo Huỳnh Thị Lâu - giáo viên giảng dạy lớp 1/1 (Trường Tiểu học Sơn Phong) chia sẻ: “Ngày trước, lớp được trang bị hệ thống đèn tuýp chiếu sáng, tiêu tốn rất nhiều điện năng. Bây giờ triển khai mô hình này, ánh sáng chiếu đều khắp cả lớp, đảm bảo cho việc dạy và học. Về mùa đông, ánh sáng trong lớp cũng tốt hơn so với trước”.
Bốn trường tiểu học khác là Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu (Tam Kỳ), Lê Hoàn (Phú Ninh), Nguyễn Văn Trỗi (Núi Thành) cũng được hưởng lợi từ mô hình này. Theo ThS.Nguyễn Bình Khánh, hệ thống chiếu sáng lớp học thông minh tiết kiệm năng lượng gồm các tấm pin mặt trời đảm bảo tiêu chuẩn Nhật Bản hoặc EU, 1 bộ chuyển đổi DC-AC và tủ điều khiển, màn hình LCD với kích cỡ từ 49 inch trở lên, bộ máy tính kèm màn hình 21 inch giúp theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hệ thống.
Nguồn năng lượng mặt trời được tạo ra từ hệ thống giàn pin mặt trời được đặt trên mái trường trên diện tích 24m2, có lắp đặt tủ điều khiển nối lưới điện. Đặc biệt, hệ thống đèn led tích hợp bộ điều khiển cho phép điều khiển công suất đèn theo ánh sáng tự nhiên, đo bằng cảm biến quang trở. Nguồn led tích hợp mô đun truyền thống cho phép điều khiển không dây từ xa và cài đặt các thông số vận hành của thiết bị...
Qua so sánh, đối chiếu với hệ thống ánh sáng cũ, hệ thống chiếu sáng thông minh tiết kiệm hơn hẳn. Hệ thống chiếu sáng cũ tại phòng học số 12, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản sử dụng công suất 320W, lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm là 512kWh, hệ thống có tuổi thọ 4,4 năm, chi phí đầu tư 23,6 triệu đồng. Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng thông minh chỉ có công suất 210W, tiêu tốn 336kWh điện/năm, có tuổi thọ 15,4 năm, có tổng giá trị đầu tư 19,5 triệu đồng. ThS.Khánh chia sẻ, mô hình có thể áp dụng cho các trường học, tạo không gian chiếu sáng theo tiêu chuẩn với độ sáng đồng đều, góp phần bảo vệ thị lực cho trẻ.
Tuy nhiên, một số hiệu trưởng, giáo viên các trường vẫn tỏ ra băn khoăn bởi đây là mô hình khá mới, công nghệ, thiết bị mới, phần lớn nhập khẩu, nên trường hợp hệ thống gặp sự cố thì vấn đề thiết bị thay thế là nỗi lo. Hệ thống điện mặt trời được đấu nối trực tiếp vào lưới điện của nhà trường, chưa có sự tách bạch về 2 lưới điện nên rất khó theo dõi, quản lý hệ thống. Nếu khắc phục được nhược điểm trên thì đây là mô hình thiết thực, góp phần xây dựng “trường học xanh” ở Quảng Nam.