Để chấn chỉnh tình trạng nuôi tôm trên cát tràn lan, gây nhiều hệ lụy đến môi trường, huyện Thăng Bình đang triển khai các biện pháp để đưa những ao nuôi tôm vào vùng quy hoạch tạm thời.
Bất cập và hệ lụy
Rừng phòng hộ ven biển tại xã Bình Hải (Thăng Bình) kéo dài hàng chục cây số qua địa bàn 5 thôn là Phước An 2, Hiệp Hưng, Đồng Trì, Kỳ Trân và An Thuyên. Vào thời điểm này, những cánh rừng phi lao nham nhở, nhiều chỗ bị “cạo trọc”, chỗ khác bị xói mòn… Biển xâm thực, bồi cát vào đất liền đã khiến nhiều ngôi nhà trong khu dân cư bị ứ đọng nước, ngập úng. Phong trào phá rừng phòng hộ để lấy đất nuôi tôm thẻ chân trắng mấy năm qua vẫn còn âm ỉ đến nay. Người dân trong vùng vẫn còn liều lĩnh phá rừng đào ao nuôi tôm dù cho nghề này bết bát trong thời gian gần đây. Đáng nói nhất là hiện tượng các doanh nghiệp, công ty, tổ chức sản xuất và các cá nhân từ nhiều địa phương khác như Bình Định, Phú Yên đến thuê đất, nuôi tôm trái phép ngay trong diện tích rừng phòng hộ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Chúng tôi hỏi ông Hoàng Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, địa phương đã làm những gì để lập lại trật tự trong nuôi tôm trên cát vốn đã quá lộn xộn trong vài năm trở lại đây. Ông Hùng nói: “Quá khó, lực lượng của địa phương quá mỏng, không thể trấn áp “làn sóng” phá rừng mạnh mẽ của người dân địa phương. Chúng tôi đã viện đến huyện nhưng mọi việc không tiến triển sau hồi lắng dịu”. Theo ông Hùng, xã phối hợp với huyện đã cưỡng chế, thu hồi các diện tích nuôi tôm trái phép rồi khống chế, không cho các hộ nuôi tôm dẫn điện ra đồng. “Chỉ sau chừng một tuần hoặc xa hơn là 10 ngày thì các hộ nuôi tôm lại kéo điện hoặc dùng máy chạy dầu diezen để nuôi tôm. Người dân lại cải tạo các diện tích đất bị cấm sản xuất, phủ bạt nuôi tiếp. Nuôi tôm như đánh bạc, càng thua thì càng hăng để mong gỡ gạc” - ông Hùng nói.
Nuôi tôm trái phép trên đất rừng phòng hộ ven biển tại xã Bình Hải. Ảnh: V.Q |
Ông Hùng kể, cứ vào mùa mưa bão thì gió giật mạnh từ ngoài biển luồn vào trong bờ kéo theo bao nhiêu là cát, phủ khắp nhà người dân. Cơn bão cát đã và sẽ đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân ven biển, nhất là khi các ngôi nhà tại đây được xây không mấy kiên cố. Trong khi đó, ông Hồ Thanh Tư - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải thừa nhận, trên danh nghĩa thì có nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đến phối hợp với người dân địa phương hoặc thuê đất nuôi tôm theo quy hoạch tạm thời của tỉnh. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì tình trạng nuôi tôm trong rừng phòng hộ, thậm chí là nuôi tôm trong vườn nhà lại xảy ra.
Thực hiện quy hoạch
Theo quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát của UBND tỉnh đến năm 2018, tại huyện Thăng Bình có tổng diện tích quy hoạch 136,6ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại là 88,4ha, diện tích mở mới 48,2ha. Cụ thể, tại xã Bình Nam, diện tích quy hoạch 19,8ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 10,8ha, diện tích mở mới 9ha. Tại xã Bình Hải, diện tích quy hoạch 116,8ha, trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 77,6ha, diện tích mở mới 39,2ha. |
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, huyện đang dựa vào quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát của tỉnh để chấn chỉnh tình trạng nuôi tôm tràn lan ở xã Bình Hải và Bình Nam. Trong thời gian tới, các hộ nuôi tôm trên cát phải có phương án hoạt động phù hợp mới được thuê đất để nuôi tôm. Các nông hộ bắt buộc phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường. Ở các vùng nuôi trái phép được chỉnh trang, quy hoạch lại thì khi sản xuất, các nông hộ phải tham gia bảo vệ các rừng phòng hộ ven biển. Theo đó, các hộ nuôi tôm chỉ được bố trí ao nuôi cách xa mép chân đê chắn sóng, chắn cát từ 30m trở lên. Các hộ nuôi cũng phải tham gia trồng cây phi lao, dứa biển ở bờ biển để bảo vệ công trình nuôi tôm, vừa góp phần phủ xanh rừng phòng hộ. Đối với vùng quy hoạch mới, nông dân chỉ được phép nuôi tôm cách xa mép biển tối thiểu là 200m. Các hộ nuôi tôm phải có đủ năng lực về vốn, trang bị tốt các yếu tố kỹ thuật, quy trình nuôi đảm bảo các yêu cầu khắt khe về môi trường.
Theo UBND huyện Thăng Bình, nuôi tôm trên cát tại các địa phương ven biển trên địa bàn phải được ổn định theo quy hoạch trong thời gian đến. Huyện đã giao Phòng Tài nguyên - môi trường chủ động phối hợp với Phòng Tài chính định giá cho thuê đối với các diện tích nuôi tôm trên cát. Ngành tài nguyên - môi trường của huyện sẽ hướng dẫn cụ thể các hộ nuôi lập hồ sơ môi trường sau khi đã hợp lệ các hồ sơ về đất đai, phương án sản xuất để tham mưu UBND huyện có quyết định phê duyệt. Việc kiểm tra định kỳ sẽ được Đội Kiểm tra quy tắc phối hợp với các xã ven biển, ngành tài nguyên - môi trường thực hiện để nhắc nhở, xử phạt hoặc thu hồi đất tùy theo mức độ vi phạm của hộ nuôi tôm.
UBND huyện Thăng Bình giao trách nhiệm cho UBND các xã Bình Nam, Bình Hải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của huyện để công bố quy hoạch, quy chế nuôi tôm trên cát để các nông hộ được biết, đấu giá thuê đất và triển khai nuôi tôm đúng quy định. Các xã ven biển chịu trách nhiệm tổ chức đấu giá thuê đất, quản lý trực tiếp việc nuôi tôm, đồng thời giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai nuôi tôm.
VIỆT QUANG