Đứa con bất hiếu

PHAN VĂN MINH 22/04/2018 10:25

Trong một cuộc trò chuyện tào lao cùng  anh bạn bên ấm trà, tôi buột miệng buông một câu Kiều:

- Ngẫm hay muôn sự tại trời…

- Trời là ông nào? Ở đâu? Hình tướng ra làm sao? - Anh bạn tôi cắt ngang, hỏi liền một hơi với cái giọng như sắp gây lộn.

- Thì… thì… trời là tạo hóa, là đấng sinh ra muôn vật trong vũ trụ này, bộ xưa nay ông chưa từng nghe nói sao?

- Tôi không tin.

Cạo trọc rừng. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Cạo trọc rừng. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet

- Ông thử nghĩ xem, nếu không có bàn tay tài hoa nào đó sắp xếp thì tại sao mọi thứ trên đời đều hợp lý và hoàn hảo đến vậy?

- Hợp lý thế nào, ông nói tiếp đi!

- Chẳng hạn như loài nai rất sợ cọp ăn thịt nhưng không có cọp thì nai sinh sản đàn đàn, lấy đâu ra cỏ mà ăn? Cho nên cọp và nai đều cần nhau để tồn tại. Cũng tương tự, con ong sống nhờ mật hoa của cây rừng nhưng lại giúp cho hoa thụ phấn. Tóm lại, mọi thứ trên đời đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau, kể cả những vật vô tri như  mây với nước, núi với sông… - Tôi hùng hồn ôn lại những bài học hồi… cấp hai.

- Thôi! Để tôi hỏi ông, vậy con người thì cần cho thứ gì?

Quả là một câu hỏi quá khó. Tôi ậm ừ mấy giây rồi nói liều:

- À… thì cho đến hiện tại, con người là sản phẩm sau cùng nên tạo hóa chưa biết… cho nó phục vụ ai. Nhưng đó là sản phẩm hoàn hảo nhất mà “ông trời” đã từng nghĩ ra được.

- Hoàn hảo ở điểm nào?

- Tất nhiên là từ bộ óc biết cảm xúc và suy nghĩ -  Tôi vẫn còn thuộc bài tâm lý học sơ cấp.

Anh bạn tôi cười gằn và bắt đầu thao thao như một viên công tố:

- Đó mới chính là điều tệ hại nhất. Tạo hóa nếu tồn tại như ông nói thì ông ta đã quá lơ đễnh khi gắn nhầm những cái gien xấu vào trong con người. Bởi trừ giống người ra, không có loài vật nào lại biết dối trá, lừa gạt, giết chóc lẫn nhau như chúng ta. Bởi không có loài vật nào, kể cả những loài mà chúng ta gọi là dã thú hay ác điểu, đi sát hại loài vật khác vượt quá nhu cầu của mình như con người. Chúng ta đã xóa sổ danh tánh vô số “người anh em” cùng “cha trời mẹ đất”, từ  cỏ cây cho đến muông thú trên rừng, cá tôm dưới biển. Chúng ta phun thuốc độc trên khắp các cánh đồng, cạo trọc những ngọn núi xanh, đào bới các dòng sông và xả vào lòng “cha mẹ” những thứ mà họ không hề nghĩ đến sự tồn tại của chúng như chất dẻo, mảnh kim loại hay khí nhà kính, làm bệnh hoạn cả bầu trời và mặt đất. Ngay cả trên không gian xa thẳm vốn tinh khiết hàng tỷ năm nay, bây giờ con người cũng không tha. Những ống phóng tên lửa và các vệ tinh nhân tạo đã thải lên trên đó vô số mảnh kim loại tạo thành các đám mây rác vũ trụ. Đó là chưa kể những mối hiểm nguy thường trực tiềm tàng từ những đầu đạn hạt nhân, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng bay qua các đại dương rồi hủy diệt mọi thứ mà “cha mẹ” đã khó nhọc sinh ra…

Anh dừng lại hớp một ngụm trà rồi ngồi thở. Còn tôi thì nhìn anh như bị thôi miên. Một lát sau tôi cố cất giọng thật ấm, mong xoa dịu nỗi bất bình dường như đang kéo nhau ra thành những ngôn từ điệp trùng, bất tận:

- Tất cả những “cáo trạng” của ông thì ai cũng công nhận. Nhưng thực ra  nhân tính đâu phải chỉ có những điều tệ hại? Con người vẫn còn tình yêu và đức tin, như Trịnh Công Sơn đã từng viết: “để cứu rỗi chính mình trên cây thập giá đời”…

Anh bạn lại nhấp trà, xoa cằm rồi bảo:

- Có đấy. Nhưng cả hai thứ đó đang bị lợi dụng, bị biến tướng từng ngày thành những biểu hiện giả trá, ông không thấy sao?

- Ông đừng bi quan quá lên như thế. Tạo hóa sinh ra muôn loài đều có những bản năng hòa hợp với tự nhiên. Cái xấu chỉ là sự tha hóa ở một bộ phận người.

- Nếu ngài “Trời” của ông chỉ gắn cho con người toàn những mầm mống tốt đẹp thì cái xấu ở đâu ra? - Anh bạn quắc mắt tôi như chính tôi là thủ phạm.

- Tôi nghĩ là do… đột biến trong quá trình tương tác và phát triển.

- Vậy sao các loài khác vẫn có đột biến nhưng lại không tha hóa? Hàng triệu năm qua loài thỏ vẫn chỉ ăn cỏ và ở trong hang mà vẫn tồn tại, đâu có cần phải thay đổi mọi thứ xung quanh.

- Dù sao, chúng ta vẫn luôn tiến về phía trước. Vẫn có những con người đang ngày đêm chăm lo cho vận mệnh của cõi đời này, chẳng hạn như các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật… Cái xấu rồi sẽ bị những quy luật nguyên khởi của tạo hóa khu trừ. Kẻ xấu trước sau rồi cũng phải trả giá giữa lưới trời và lưới đời... - Tôi vẫn ra sức bênh vực cho “người”.

Anh bạn lắc đầu:

- Chưa chắc. Tôi lại hình dung nếu cứ theo đà này, loài người rồi sẽ tàn phá cả thế gian, cả không gian vũ trụ trước khi tự hủy diệt chính mình. Đó là một đứa con “bất hiếu” của “cha trời mẹ đất”, theo cách nói của ông.

- Vậy ông bảo phải làm sao? Quay lại về thời nguyên thủy à? - Tôi đâm bực mình, nặng giọng.

- Muộn rồi! Chỉ có thể làm chậm quá trình đó mà thôi! - Anh bạn tôi thở dài.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đứa con bất hiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO