Đứa con đi xa nay trở về...

THÀNH CÔNG - XUÂN HIỀN 07/08/2021 06:28

Họ đã trở về, bằng nhiều cách. Sấp ngửa với cuộc vật lộn để rời khỏi tâm dịch Sài Gòn, với rất nhiều người con xa xứ được đón về quê nhà lần này, hẳn không chỉ là may mắn. Rời TP. Hồ Chí Minh, chỉ để níu lấy bình an, thứ bình dị mà bỗng trở thành xa xỉ nhất, lúc này…

Đã có hàng nghìn người dân Quảng Nam được đưa về quê bằng ô tô, máy bay. Ảnh: C.H
Đã có hàng nghìn người dân Quảng Nam được đưa về quê bằng ô tô, máy bay. Ảnh: C.H

1. Dắt đứa con trai 3 tuổi lên xe, anh Võ Mạnh H. (xã Quế Minh, Quế Sơn) vẫn không nghĩ gần chục năm tha phương, hai đứa con lên 5 lên 3, hai vợ chồng trở về quê nhà trong cảnh huống khó tả thành lời.

Chúng tôi chú ý đến anh bởi trong danh sách xe đón về Quế Sơn, nhà anh có tới… 7 người và hoàn cảnh được Hội đồng hương ghi nhận là “hai gia đình khó khăn không có việc làm, không đủ trả tiền nhà trọ và lo cho 2 con nhỏ”. 

“Là gia đình của tôi và em vợ. Hai gia đình thuê chung một khu trọ. Hai tháng nghỉ việc, hết luôn cả tiền dành dụm, biết không thể ráng nữa, mới quyết đăng ký về quê” - anh H. nói.

Cả 7 người đều quê thôn Lộc Đại, xã Quế Minh - vùng đất khô cằn từng một thời gian mệnh danh “đất nghèo nhất nước”. Về, như lời anh H. nói, để yên ổn tinh thần đã. Dù sao, đất ở quê có cằn cỗi thì cũng còn có bà con, còn trồng được củ sắn.

Ríu rít tiếng con trẻ trong điện thoại, anh H. nói, cả mấy gia đình của làng trở về ở cùng một khu cách ly. Anh nói vợ mình mấy hôm nay khóc miết. Tiếc cái tủ lạnh mới mua lại của bạn cùng xưởng, nhưng “chắc bả khóc sợ vài bữa nữa hết cách ly về nhà lấy chi nuôi con” - anh H. nói.

Chúng tôi nén tiếng thở dài. Hồ như, phía kia, cũng vừa kịp đè tiếng nấc của người đàn bà mới tết đây thôi còn xúng xính áo quần cho con trai con gái…

Gia đình anh Sa trong khu cách ly, sau chuyến hồi hương đầy cảm xúc.
Gia đình anh Sa trong khu cách ly, sau chuyến hồi hương đầy cảm xúc.

Với anh Trần Ngọc Sa, đứa con thứ 3 của anh ra đời trong lúc anh mất việc. Sài Gòn bùng dịch. Sáu người trong gia đình anh rơi vào bi kịch của những lao động nhập cư nghèo, gì cũng thiếu, chỉ thừa nỗi lo lắng không biết cất vào đâu. Thông tin hội đồng hương đón người Quảng về quê, qua hai lần đăng ký, cả 6 người đều có tên trong đợt đầu tiên trở về.

Xe đến Tam Kỳ lúc hai giờ sáng. Ai nấy bịt bùng trong đồ bảo hộ, mất thêm gần một giờ đồng hồ để khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, bố trí nơi ở. Những lo lắng gần như được giải tỏa.

“Được đón về quê, mừng lắm nhưng mà cả nhà cũng lo, vì con chưa đầy 3 tháng, dịch bệnh thì hoành hành. Nhưng rồi bác sĩ, các thành viên đi trên xe lo lắng từng chút một cho từng người từ lúc chưa bước lên xe đến tận lúc về đến quê nhà.

Ở khu cách ly còn thoáng hơn ở trong Sài Gòn nữa, cơm nước, ăn uống không thiếu gì hết. Mọi thứ đều rất tốt. Chúng tôi may mắn. Sẽ rất tệ nếu vẫn còn ở Sài Gòn lâu thêm nữa” - anh Sa nói.

2. Và rủi thay. Trong hàng nghìn con người trở về từ phía Nam, từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, đã có những người dương tính với Covid-19. Con số thống kê chưa đầy đủ cho đến cuối tuần này, số người mắc Covid-19 là những người trở về từ vùng tâm dịch, được ngành y tế ghi nhận đã vượt số 30 ca. Nhưng chắc chắn vẫn chưa dừng lại ở đây.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế nói, từ tuần sau, số người mắc sẽ tăng đột biến. Phải dùng từ đột biến, vì lượng người trở về bằng rất nhiều cách, đã vượt con số dự lường 3.000 người ban đầu của tỉnh.

Dù đa số người về đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày, nhưng căn bệnh lạ lùng này, khiến bao nhiêu trí lực đổ vào đây nghiên cứu, vẫn không hiểu tại sao qua nhiều lần xét nghiệm mới hiện lên chỉ số của dịch bệnh.  

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (giữa) đến tận khu cách ly thăm hỏi, động viên bà con đồng hương vừa được đón về. Ảnh: C.H
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (giữa) đến tận khu cách ly thăm hỏi, động viên bà con đồng hương vừa được đón về. Ảnh: C.H

N.T.H.Y. (ở Quế Lộc, Nông Sơn) bây giờ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) của Quảng Nam được gọi là BN158949. Y. nói, nhà chị tại tỉnh Bình Dương ở ngay vùng tâm dịch. Công nhân di chuyển liên tục. Hai vợ chồng buôn bán rau hành tại khu chợ nhỏ dành cho công nhân của khu công nghiệp ở Thủ Dầu Một.

Khi dịch lan ra, Y. cảm giác một ngày tại miền Nam trở nên thăm thẳm khi xóm giềng từng người một đóng cửa về quê. Hỏi chị, hai vợ chồng nghĩ gì trên suốt chặng đường về của mình? Y. bật khóc òa. Tiếng nấc của Y. thắt nghẹn người nghe.

Chị nói ban đầu chỉ nghĩ đơn giản về nhà tránh dịch, thấy người ta rủ nhau đi vậy thì mình cũng đi. Mình ở đất khách, nếu bệnh tật thì chắc chắn sẽ không được chăm sóc như ở quê nhà. Nhưng hành trình về nhà thì cam go quá đỗi.

“Mong bà con đừng tự mình dong ruổi trên những cung đường dằng dặc hơn cả ngàn cây số, hiểm nguy bủa vây, vì Quảng Nam luôn sẵn sàng các phương tiện an toàn để bà con về quê”.  

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Hai cô con gái lần lượt cho kết quả dương tính. Y. theo con vào viện chăm sóc. Ngày thứ 3, Y. cũng cho kết quả xét nghiệm đã nhiễm Covid-19. Y. nói mình cũng đã xác định sẽ phơi nhiễm khi lựa chọn đi theo con.

Chỉ mong bệnh không chuyển biến nặng, để cả ba mẹ con được trở về quê. Mảnh đất nghèo dưới chân núi Chúa, chưa bao giờ là niềm mong mỏi được quay về mãnh liệt như bây giờ với người đàn bà này. 

3. Quá nhiều mảnh ghép của khốn khó hiển lộ trong cơn đại dịch ở Sài Gòn. Người già bám lấy gánh hàng rong, trẻ con, lao động tự do, những gia đình chật vật với cuộc mưu sinh vỉa hè và những căn phòng trọ diện tích chỉ nhỉnh hơn một chiếc giường.

Giữa tận cùng hoang mang của ngày Sài Gòn phong tỏa, những thành viên của hội đồng hương đã bằng nhiều cách, kết nối, sẻ chia, giúp nhiều hoàn cảnh khốn khó được đặt chân lên chuyến xe hồi hương để trở về.

Với những người về quê bằng xe máy, dặm dài hồi hương, có biết bao cánh tay chìa ra, với cơm ăn, nước uống dọc đường. Từ phía chân đèo Lò Xo ở Phước Sơn, đã thấy ấm lại tình người: Bà con Khâm Đức và nhiều tổ chức, đơn vị chuẩn bị rất nhiều đồ ăn, nước uống phát miễn phí cho người hồi hương.

Bà con Khâm Đức đã phát đồ ăn, nước uống miễn phí cho những người hồi hương về qua chốt kiểm soát tại đèo Lò Xo. Ảnh: Đ.K
Bà con Khâm Đức đã phát đồ ăn, nước uống miễn phí cho những người hồi hương về qua chốt kiểm soát tại đèo Lò Xo. Ảnh: Đ.K

Suốt một tuần liền, Nguyễn Đăng Khoa, một bạn trẻ ở xã Phước Xuân (Phước Sơn) cùng đoàn tình nguyện ngược xuôi từ thị trấn Khâm Đức và chốt kiểm soát phòng dịch, mang đồ tiếp tế cho người dân.

“Ngày đầu tiên lên chốt, gặp đoàn người trở về, trong đó có rất nhiều đứa trẻ, em thực sự rất xúc động. Họ chỉ kịp trải tấm áo mưa mỏng, ngủ vội, rồi lại lên đường. Mới thấy, dù vất vả thế nào, họ vẫn đi, về hướng quê nhà. Trong số đó có cả những người quê Quảng Nam. Người Phước Sơn đã chào đón, hỗ trợ họ bằng tất cả tấm lòng của mình. Dang tay với họ như đón người về nhà” - Khoa tâm sự.

Những chuyến đi nghĩa tình của quê hương, sẽ vẫn còn tiếp tục. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, việc đón bà con trở về quê nhà lúc này không chỉ là tình đồng bào, mà vì họ đó cũng chính cật ruột, là người xứ Quảng. Chỉ mong bà con đừng tự mình dong ruổi trên những cung đường dằng dặc hơn cả ngàn cây số, hiểm nguy bủa vây, vì Quảng Nam luôn sẵn sàng các phương tiện an toàn để bà con về quê.  

Về nhà, để đổi lấy bình an. Nhìn dòng người nối nhau trên nhiều cung đường, mới thấy ý niệm quê nhà thiêng liêng bao nhiêu. Bằng niềm tin, bằng sự ân cần của đất mẹ, bằng cảm giác thoát nguy khi đã về đến trong khu cách ly nơi quê nhà. Bình an, như đứa con đi xa nay đã trở về nhà…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đứa con đi xa nay trở về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO