Sau khi được điều động, bố trí công tác tại các xã vùng cao của huyện Nam Trà My, lực lượng công an chính quy đang gặp khó về trụ sở làm việc, cũng như chỗ ăn ở, sinh hoạt.
Thiếu trụ sở làm việc
Dù được đánh giá thuận lợi về điều kiện tại chỗ so với các địa phương khác, song Thiếu tá Nguyễn Văn Thi - Trưởng Công an xã Trà Tập vẫn không khỏi lo lắng khi nơi làm việc khá chật hẹp, không đáp ứng nhu cầu. Căn phòng chỉ rộng khoảng 20m2, là nơi làm việc, nghỉ ngơi của 5 cán bộ, chiến sĩ được tăng cường theo đề án điều động, bố trí công an chính quy về xã.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thi kể, trước khi được tăng cường thêm 4 cán bộ, chiến sĩ mới nhận nhiệm vụ tại xã Trà Tập, một mình anh cùng công an viên tại các điểm thôn đã triển khai nhiệm vụ thu thập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn. Với dân số gần 3.000 người, việc thu thập, phúc tra, đối chiếu dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất hơn 1 tháng ròng rã vượt đường rừng đến từng nóc, công việc phúc tra mới hoàn tất. Đó là chưa kể, nhiều địa bàn xa, hiểm trở, cán bộ, chiến sĩ phải ở lại nhà dân để hoàn thành nhiệm vụ.
Vốn là Đội phó Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Nam Trà My), tháng 4.2020, Thiếu tá Nguyễn Văn Thi được cấp trên điều động về tăng cường nhiệm vụ tại Công an xã Trà Tập. Điều kiện ở một xã nằm cách Tăk Pỏ không xa, dù ít khó khăn hơn so với các địa phương khác, nhưng nhìn vào diện tích một phòng cấp 4 nhỏ hẹp với chức năng “kép” vừa là nơi làm việc, vừa không gian nghỉ ngơi cho 5 cán bộ, chiến sĩ khiến nhiều người chạnh lòng.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, còn rất nhiều địa phương vùng cao khác của huyện đang gặp khó về điều kiện nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt. Ở nhiều xã, phòng làm việc của công an, quân sự chỉ được dựng tạm bằng nhà gỗ đơn sơ, không đảm bảo các điều kiện tại chỗ. Trong khi đó, mặc dù rất quan tâm đến lực lượng này, nhưng do điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cơ sở chưa thể triển khai. “Tại Nam Trà My hiện vẫn còn 5 xã chưa có trụ sở làm việc mới, chủ yếu là sử dụng trụ sở cũ đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng” - ông Dũng cho hay.
Cần giải quyết kịp thời
Cho rằng chủ trương đưa công an chính quy đảm nhận vị trí công tác tại cơ sở là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại các địa phương miền núi, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng nói, lực lượng này đã bước đầu phát huy hiệu quả công việc, nhất là trong thu thập dữ liệu dân cư, xử lý các vụ việc an ninh trật tự. Tuy nhiên, sau thời gian được điều động, do điều kiện khó khăn đặc thù của miền núi, hầu hết công an chính quy đều thiếu chỗ ở, chưa đảm bảo về trụ sở nơi làm việc. Đây là những bất cập cần được giải quyết kịp thời, nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác lâu dài tại cơ sở theo chủ trương.
“Việc đưa công an chính quy về cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn, nhưng kèm theo đó là phải có tính toán về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ phục vụ công việc. Nếu chỉ đưa con người rồi cứ giao về cho địa phương, thì địa phương biết lấy gì hỗ trợ? Không đảm bảo về cơ sở vật chất, cán bộ chiến sĩ không có chỗ làm việc, tình trạng đó kéo dài sẽ khiến động lực, nhiệt huyết của cán bộ chiến sĩ suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc” - ông Hưng nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nam Trà My mới đây, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, từ những khó khăn thực tế tại cơ sở thời gian qua, tới đây, tỉnh sẽ kiến nghị với Bộ Công an trong việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, nhà công vụ… cho công an chính quy về xã, nhằm đảm bảo điều kiện ăn ở, công tác cho lực lượng này. Đồng thời tiếp thu và sẽ kiến nghị, đề xuất theo nguyện vọng của nhân dân trong việc ưu tiên chọn lựa công an chính quy am hiểu về đời sống, phong tục tập quán của đồng bào miền núi khi đưa về bố trí công việc tại cơ sở.