Đưa công nghệ vào làng nghề

HỒNG ANH 18/06/2014 10:32

Gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số làng nghề bánh tráng tại Đại Lộc đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.

Trước đây, người Đại Lộc chủ yếu tráng bánh theo kiểu thủ công, cối xay gạo, nồi nước nấu sôi bọc khung vải, và liếp tre phơi bánh... Nay, cối xay đã được thay bằng máy và nhiều gia đình tậu được máy tráng bánh theo dạng bán tự động và liên tục. Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Nhị - chủ cơ sở tráng bánh tại xã Đại Nghĩa đã đầu tư gần 50 triệu đồng để đa dạng mẫu mã, nâng cao giá trị sản phẩm. Hệ thống máy tráng bánh vuông được ông sử dụng song song với lò tráng bánh thủ công của gia đình. So với bánh được tráng theo kiểu truyền thống, bánh tráng vuông được tráng bằng máy đều và đẹp hơn về mặt hình thức, bánh có độ dẻo hơn, lại ít bể khi vận chuyển. So sánh trong cùng điều kiện, công suất máy tráng bánh luôn tăng gấp ba, gấp bốn lần so với kiểu thủ công. “Ban đầu, bánh tráng vuông ra đời không được bà con đón nhận vì họ không quen dùng. Nhưng dần dần, bà con bắt đầu ưa chuộng” - ông Nhị cho biết. Vào dịp lễ tết, sức cung ứng của cơ sở ông Nhị tăng vài chục lần mỗi ngày so với ngày thường, tức hàng tấn bánh tráng được ra lò mỗi ngày. Số được bỏ sỉ cho các đại lý, quầy, chợ, nhà hàng trên địa bàn huyện, số được chuyển ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ. “Nhờ có thương hiệu, giá cả và sức tiêu thụ sản phẩm khá ổn định, người sản xuất có lợi nhuận đáng kể. Sắp tới, tôi sẽ đến các huyện miền núi và một số tỉnh lân cận trên địa bàn tỉnh giới thiệu quảng bá sản phẩm để mở rộng tiêu thụ” - ông Nhị cho biết.

Máy tráng bánh bán tự động và liên tục của gia đình ông Nguyễn Văn Nhị, Đại Nghĩa.  Ảnh: H.L
Máy tráng bánh bán tự động và liên tục của gia đình ông Nguyễn Văn Nhị, Đại Nghĩa. Ảnh: H.L

Hiện, tại Đại Lộc, số cơ sở đầu tư máy tráng bánh bán tự động đã lên tới hàng chục. Thị trấn Ái Nghĩa có khoảng 20 hộ tráng bánh thì 2 hộ đã đầu tư được công nghệ tráng bánh với giá trị đầu tư mỗi máy 50 triệu đồng. Hơn 25 năm theo nghề gia truyền, đến nay, gia đình ông Lê Viết Xâm (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) đã chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy. Từ khi đầu tư máy, trung bình mỗi ngày gia đình ông cho ra lò 200kg bánh khô và tiêu tốn nguyên liệu hơn 2 tạ gạo; trong khi trước đó, dù đã làm việc cật lực, 2 lò tráng thủ công của gia đình chỉ có thể làm hết 50kg gạo. Chưa kể, vào dịp lễ tết, khi nhu cầu của thị trường tăng cao thì máy có thể phát huy công suất với khoảng 5 - 6 tạ gạo/ngày. Đó là điều khó có thể tưởng tượng được với lò tráng bánh truyền thống. Qua 3 năm sắm máy, cơ sở của ông Xâm ngày càng ăn nên làm ra, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của gia đình ông đã góp mặt tại siêu thị Metro Đà Nẵng và các chợ lớn, chợ đầu mối Quảng Nam, Đà Nẵng với sức tiêu thụ khá ổn định. Ông Xâm đang dự tính đầu tư thêm hệ thống sấy bánh tự động nhằm thay thế cho việc sấy bằng than và sấy ngoài trời nhằm tiết giảm nhân công, nâng cao hơn nữa vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

HỒNG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa công nghệ vào làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO