Hội thảo “Di sản văn hóa biển trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” do Trường Đại học Quảng Nam vừa tổ chức đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của học giả, nhà nghiên cứu, vạch rõ thế mạnh và thách thức, qua đó đề xuất các giải pháp phát huy giá trị vững bền trong thời gian đến.
Hát múa bả trạo - một di sản văn hóa biển. ảnh: Q.VIỆT |
Miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng sở hữu di sản biển phong phú, đa dạng về chủng loại. Theo TS. Trần Tấn Vịnh (Trường Đại học Quảng Nam), khắp vùng sông biển Quảng Nam còn lưu giữ cả một kho tàng cổ vật. Sau khi phát hiện con tàu đắm chứa nhiều cổ vật ở vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) thì tại vùng biển Tam Hải (Núi Thành), người dân và ngành khảo cổ liên tiếp phát hiện chum cổ, tượng đất nung, hũ, tô, bát, đĩa cổ có trang trí hoa văn tinh xảo. Bên cạnh di sản vật thể, khu vực biển Quảng Nam bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Tri thức dân gian của ngư dân Quảng Nam hàm ẩn những kinh nghiệm sống, như việc “tinh thiên văn, tường con nước” được truyền giữ qua nhiều thế hệ. Những tri thức dân gian đó đến nay vẫn còn giá trị thực tiễn, cho dù khoa học - công nghệ đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc.
Nhiều thách thức
Miền Trung có khí hậu thất thường, nắng lắm mưa nhiều, thường xuyên chịu tác động của bão, lũ nên các giá trị văn hóa vật thể trong lòng biển có thể bị hư hại bất cứ lúc nào nếu không được trục vớt và bảo quản kịp thời. Bên cạnh đó, mặt trái tác động của quá trình kinh tế mở đang khiến cho nhiều giá trị văn hóa phi vật thể mai một. Ví dụ dễ thấy nhất là diễn xướng bả trạo của cư dân ở vùng biển TP.Hội An đã mai một nặng nề. Làng nghề đan thúng một thời sầm uất đã có thể trở thành dĩ vãng nếu không còn được lưu giữ ở xã biển Tam Giang (Núi Thành). Mối quan hệ rường cột bám biển trong cộng đồng đã có dấu hiệu nhạt dần. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học Huế), biển và văn hóa biển miền Trung đang đối diện với nguy cơ biến chất. Bởi vậy, điều cần kíp là có cách thức bổ túc chất biển cho ngư dân, hỗ trợ họ quanh năm bám biển thay vì tìm sinh kế ở các khu - cụm công nghiệp hay chuyển nghề làm thương mại, dịch vụ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét, đặc biệt là nước biển dâng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại để bảo lưu giá trị, hạn chế xói lở, sụt lún bờ biển, ví như ở Cửa Đại (TP.Hội An).
Đề xuất xây dựng bảo tàng con tàu đắm Ông Đoàn Sung - Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cho rằng, con tàu đắm Cù Lao Chàm có giá trị hết sức to lớn trong kho tàng văn hóa biển. Để phát huy giá trị di sản này, trước mắt chính quyền TP.Hội An cần cho phép trục vớt phần còn lại của con tàu đang còn nằm chìm dưới đáy biển; xây dựng nhanh bảo tàng con tàu đắm Cù Lao Chàm, trước mắt là phục vụ du lịch, lớn hơn là nghiên cứu lâu dài, lập hồ sơ khoa học đề xuất Chính phủ công nhận là di sản tàu đắm cấp quốc gia. “Trong tình thế cấp bách hiện nay, chính quyền địa phương nên xem xét phương án xã hội hóa để huy động sức người, sức của thực hiện. Đồng thời mời các chuyên gia về văn hóa biển thực hiện nghiên cứu ngay sau khi trục vớt” - ông Sung nói. |
PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết (Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.Hồ Chí Minh) có góc nhìn về mai một của các làng nghề biển như làng muối, làng chài, làng biển trên đảo… đến suy thoái các giá trị tín ngưỡng như thờ Hoàng Thiên, thờ Hậu Thổ. Vì thế, vấn đề cấp bách là cần nghiên cứu các giá trị văn học dân gian gắn liền với biển hay đời sống tinh thần đặc trưng của các cụm dân cư ở các đầm, vịnh, hòn đang ngày càng trở nên xa lạ với lớp trẻ, kể cả lớp trẻ có xuất thân từ chính đó. Đối với ngành nhân học biển, nên chăng mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các tộc người, các dân tộc khác như người Hoa, người Chămpa, họ cũng đã được lan tỏa và hưởng thụ văn hóa biển trong đời sống. “Di sản văn hóa biển không thể “sống” ngoài đời thực của cư dân vùng biển. Bảo tồn văn hóa biển không thể thiếu quan tâm đến chủ thể sinh ra nó. Điều băn khoăn trong giữ gìn văn hóa biển là chúng ta đã thật sự tiếp cận đến chân lý khoa học hay chưa? Xuất phát điểm hay phương pháp nghiên cứu có máy móc không khi chưa đồng cảm, ứng xử có khoảng cách với ngư dân?” - PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết nói.
Phát huy giá trị
TS. Trần Tấn Vịnh cho rằng, điều cấp thiết hiện nay là Quảng Nam tiếp tục điều tra, khai quật khảo cổ học dưới lòng biển, nhất là vùng biển Tam Hải, nơi ngư dân phát hiện thêm được nhiều cổ vật trong thời gian gần đây. Điều này là hết sức khẩn trương vì nếu sơ sẩy, cổ vật có thể bị thất thoát bởi nạn khai thác lén. “Không chỉ điều tra, nắm bắt số lượng, loại hình, quy mô của cổ vật mà còn phải quy hoạch. Muốn vậy phải lập hồ sơ, lập bản đồ di chỉ khảo cổ học để mà khai quật, trục vớt có hiệu quả. Về điều này, Quảng Nam chưa tự làm được thì cần liên kết, hợp tác với các cơ quan, chuyên gia nước ngoài” - ông Vịnh nói. Ông Vịnh cũng đề xuất lập nên bảo tàng ghe thuyền truyền thống ở TP.Hội An vì nơi đây đã phát huy được giá trị của các bảo tàng như văn hóa dân gian; gốm sứ mậu dịch; lịch sử; văn hóa Sa Huỳnh. “Quảng Nam có Hội An là xuất xứ của nhiều loại hình ghe thuyền truyền thống như ghe bầu, ghe nan, thuyền buồm, thuyền thúng gắn chặt với giao thương cùng các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, là cơ sở để thành lập bảo tàng như vậy” - ông Vịnh cho biết thêm.
PGS-TS. Phan Thị Yến Tuyết cũng đề xuất giải pháp thành lập bảo tàng biển tại miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng trên cơ sở lập luận rằng quốc gia biển chỉ thật sự hùng mạnh trên cơ sở phát triển hài hòa cả kinh tế biển lẫn văn hóa biển. “Không thể chỉ lưu giữ mãi truyền thống văn hóa biển trong ký ức của cộng đồng mà phải bảo tồn chúng trong bảo tàng quy mô. Nơi đó không chỉ lưu dấu về lịch sử chinh phục biển của người Việt mà còn là môi trường giáo dục niềm tự hào về sự giàu có của biển, ở khía cạnh kinh tế và văn hóa cho thế hệ trẻ” - bà Tuyết nói.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), cách giữ gìn di sản biển tốt nhất là đưa nó vào thực tiễn đời sống, tạo sinh kế cho người dân vốn là chủ thể của nó. Đó chính là cách làm du lịch sinh thái của người dân xã đảo Tân Hiệp, dung hòa được 2 yếu tố bảo tồn và ổn định thu nhập cho người dân. Thế mạnh của du lịch sinh thái là nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Đến Cù Lao Chàm, du khách thỏa mãn hưởng thụ những giá trị biển đặc sắc được tạo nên từ thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người bản địa. “San hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát vàng lóa nắng… luôn mời gọi du khách. Đến đó, họ tự thưởng ngoạn, tự khám phá và hòa cùng đời sống của ngư dân qua các hình thức đánh bắt hải sản, chế biến món ăn. Sức hút của di sản biển được phát huy trong nhiều năm qua trên cơ sở khai thác thế mạnh đó” - ông Trinh cho hay. Xã đảo Tam Hải cũng sở hữu những giá trị văn hóa biển nổi bật như Tân Hiệp nhưng chưa được khai thác đúng mức. Vì thế, nếu được đầu tư đúng tầm, khai thông lợi thế, trong tương lai gần, nơi đây có thể sẽ trở thành điểm nhấn trong bản đồ du lịch Quảng Nam.
NGUYỄN QUANG VIỆT