Đưa điện về Tây Giang

THIÊN LƯƠNG 20/11/2013 12:37

Tháng 6.2003, huyện Tây Giang được tái lập trên cơ sở tách ra từ huyện Hiên (cũ). Từ đó đến nay địa phương đã gặt hái được nhiều thành quả, trong đó điện năng đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế -  xã hội.

Điện góp phần tạo nên dáng dấp phố núi Tơ Viêng (Tây Giang). Ảnh: T.LƯƠNG
Điện góp phần tạo nên dáng dấp phố núi Tơ Viêng (Tây Giang). Ảnh: T.LƯƠNG

Xuất phát điểm thấp

Tây Giang là huyện thuộc vùng núi cao của tỉnh. Toàn huyện có 10 xã với khoảng 16,8 nghìn người dân, đa số là dân tộc Cơ Tu. Do cơ sở hạ tầng thấp kém với hơn 80% hộ đói nghèo nên lãnh đạo huyện xác định phải đẩy mạnh phát triển giao thông để liên kết các vùng, thông thương với bên ngoài; đầu tư lưới điện để đưa ánh sáng văn minh về với đồng bào, tạo động lực khai phá tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đưa điện lưới về vùng sâu, vùng xa đã khó, và càng khó hơn đối với huyện miền núi giáp biên như Tây Giang bởi phụ thuộc vào nguồn vốn, tính liên hoàn của lưới điện và địa hình đồi núi, chia cắt. Ngay sau khi chia tách huyện, lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã cùng huyện bàn kế hoạch đầu tư cấp điện. Trước mắt, dùng máy nổ phục vụ trung tâm hành chính; về lâu dài, hai bên cùng thống nhất phương án quy hoạch và đầu tư đưa điện lưới về huyện.

Tháng 8.2012, PC Quảng Nam mở đầu chương trình cấp điện cho huyện Tây Giang thông qua nguồn vốn 3,8 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Trung đầu tư đưa điện về xã A Vương, với hơn 12km trung áp cùng hàng chục ki lô mét hạ áp hoàn thành vào cuối năm 2003. Có điện rồi, nhưng người dân quá nghèo không kéo nổi điện về nhà, thành thử cán bộ công nhân viên công ty phải quyên góp mua dây, bóng đèn và bằng ngày công thứ Bảy tình nguyện bắt điện đến tận nhà cho hơn 200 hộ dân. Năm 2013, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiếp tục đầu tư nối dài đường dây trung áp từ A Vương về Bha Lêê, rồi kéo thêm 20km nữa để cấp điện cho trung tâm hành chính huyện và các xã lân cận vào năm 2014. Ở một hướng khác, bằng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình năng lượng nông thôn Việt Nam - Thụy Điển, đầu năm 2012, các xã biên giới A Xan và Ga Ry được cấp điện từ nhà máy thủy điện nhỏ. Rồi xã A Nông có điện lưới bằng nguồn vốn ngân sách. Như vậy, từ 10 xã trắng điện, đến nay Tây Giang đã có 8 xã với 3.416 hộ dân có điện. Các xã Ch’ơm và Tr’hy hiện chưa có điện nhưng cũng đã được tính toán cấp điện bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách theo cơ chế, chính sách như các huyện miền núi của 6 tỉnh Tây Nguyên tại Văn bản số 588/TTg-ĐP của Thủ tướng Chính phủ.

Động lực phát triển

Trong một thời gian ngắn, với hơn 85% số hộ có điện là một nỗ lực lớn của ngành điện và địa phương. Ngày nay đi dọc các nẻo đường của huyện, thấp thoáng trên các triền núi đến thung sâu, từng hàng trụ điện mang dây thẳng tắp, vươn xa, tạo điều kiện để miền biên giới đổi đời theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chị Briu Thị Non (thôn Aur, xã A Vương) phấn khởi cho biết: “Ngày xưa đường không có, điện cũng không nên người dân sống co cụm, quanh quẩn trong làng, không biết ti vi, quạt điện là gì. Khi có đường, có điện, cuộc sống của dân làng mình thay đổi, chỉ mới vài năm mà đã khác xa một trời một vực”.

Việc đưa điện lưới quốc gia lên Tây Giang đã mang lại nhiều lợi ích cho huyện. Trong khi đó những nhọc nhằn, gian khổ của đơn vị cung ứng điện vẫn còn đeo đẳng mãi, do cung ứng điện ở miền núi còn mang nặng tính phục vụ, công ích, thu không đủ bù chi. Song nhìn vào cuộc sống của bà con ngày càng khá hơn nhờ vào dòng điện, không ai trong ngành điện mà không thấy sung sướng, tự hào vì có sự đóng góp của mình trong đó, kể từ những ngày lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm dựng trụ, kéo dây và sau này là duy trì dòng điện cho các thôn, nóc. Sắp tới những địa danh như thôn Pơning xã Lăng; khu dân cư Agrồng, thôn Z’rượt xã A Tiêng; khu Bh’đuh và thôn K’xeng xã Dang, rồi xã Ch’ơm và Tr’hy sẽ lần lượt có điện. Chắc chắn 100% hộ dân của huyện sẽ có điện trong tương lai không xa!

Tổ hỗn hợp quản lý điện Tây Giang hiện có 5 công nhân (thuộc Điện lực Đông Giang) phụ trách quản lý vận hành khoảng 100km đường dây trung, hạ áp và bán điện trực tiếp gần 2.000 khách hàng trên địa bàn 6 xã. Hiện tại, mỗi tháng sản lượng điện tiêu thụ của huyện khoảng 150 nghìn kWh, tuy còn khá khiêm tốn nhưng với đà vươn lên, chắc chắn con số này sẽ đạt 3 - 5 triệu kWh/năm trong vài năm tới. Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang tâm sự, đã bao đời nay, trên mảnh đất này người dân vẫn còn tập tục đốt nương làm rẫy và phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Xác định giao thông là “mạch máu”, điện là động lực, UBND huyện đã tập trung xây dựng hoàn thành một số tuyến đường xung yếu và tìm mọi nguồn vốn đầu tư kéo điện. Những con đường đã mở ra nhiều cơ hội cho việc giao lưu, buôn bán và xích lại gần nhau hơn giữa các dân tộc; những tuyến lưới điện tạo điều kiện mở mang tầm nhìn và sự hiểu biết ra thế giới bên ngoài, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

THIÊN LƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa điện về Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO