Đưa hát bội xuống phố thế nào?

LÊ ANH DŨNG 08/08/2015 10:07

Không chỉ hát bội mà các loại hình diễn xướng dân gian khác như dân ca, bài chòi, hò khoan đối đáp… hiện nay đều có chung tình trạng vắng vẻ và ít ỏi khán giả náo nức lũ lượt đón xem, nhất là ở các đô thị. Đã qua rồi cái thời “Nghe trống chầu đâm đầu mà chạy”.

Mấy năm qua Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không để ngày càng luộc tay nghề và để tồn tại, phải kiếm đẩt sống bằng các cách như biểu diễn phục vụ khách quốc tế, khách du lịch. Anh em nghệ sĩ nhà hát tuồng phải lưu diễn ở các địa phương miền núi, hải đảo, biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, chính trị ở xã, huyện. Chúng tôi thấy có nhiều vở diễn dễ gây cười như Nghêu sò ốc hến, như các vở có hình ảnh, hành động của các quan tham, quan dâm dê, lính lệ chọc ngoáy quan… đã thu hút khán giả mến mộ.

Chúng tôi đồng tình với việc đưa hát bội xuống phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đưa hát bội xuống phố thế nào cho phù hợp, phát huy được hiệu quả nghệ thuật của nó.

Mỗi loại hình nghệ thuật dân gian cần có không gian, địa điểm phù hợp riêng có. Với loại hình này, một là, hát bội - ngoài ở nơi chính như nhà hát tuồng, rất cần thiết có nơi biểu diễn khác ở đô thị như đình làng miếu mạo, từ đường, trường học, nhà văn hóa. Ở Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng có thể biểu diễn ở các đình làng, hoặc ở các khuôn viên văn hóa của công viên, khuôn viên văn hóa ở các khu phố có cây đa, cây si nhiều năm tuổi.

Hai là, ngoài việc sử dụng nhạc cụ đạo cụ, phục trang, mặt nạ… nghệ thuật hát bội cần chú trọng dàn dựng không gian có treo cờ phướn, cờ hội, trang trí phông màn bề mặt và chiều sâu phù hợp với nội dung, chủ đề của vở hát bội có nhiều tuồng tích thích ứng.

Ba là, hát bội phục vụ cho đối tượng nào, thời điểm nào để có vở tuồng phù hợp lứa tuổi, sở thích. Phục vụ cho đối tượng làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các em học sinh, sinh viên hay cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang phải có vở tuồng phù hợp mới gây hiệu ứng sân khấu, tác động với nhận thức thẩm mỹ sâu sắc.

Cần nghiên cứu thật kỹ, chặt chẽ “đúng bài” khi chọn các vở hát bội bác học hay dân gian cho phù hợp với người xem, người nghe. Những vở hát bội kinh điển có nhiều điển tích khi biểu diễn cũng cần chọn khán giả phù hợp.  

Theo chúng tôi, khi đưa hát bội xuống phố không nên chọn những vở dài hơi, nhiều điển tích, nên biểu diễn những trích đoạn có lời dẫn chuyện rõ, gọn cho khán giả dễ hiểu chọn các vở hát bội dân gian, có tính hài hước, trào lộng sẽ thu hút khán giả hơn.

Đưa hát bội vào trường học, Quảng Nam và Đà Nẵng đã làm. Đưa nghệ thuật hát bội xuống phố có nơi như tỉnh Khánh Hòa và một vài địa phương ở Bình Định đã làm và đạt hiệu quả nhất định. Hy vọng việc đưa hát bội xuống phố ở Quảng Nam không chỉ dừng lại ở một vài điểm du lịch…

LÊ ANH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa hát bội xuống phố thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO