Đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy: Lại thêm địa phương thu tiền của dân

NGUYỄN SỰ 06/08/2019 15:00

Sau Bình Triều của huyện Thăng Bình, chuyện “tréo ngoe” này lại tiếp tục xảy ra tại xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) trong những ngày gần đây. Nhận tin báo của người dân, hôm qua 4.8 phóng viên Báo Quảng Nam đã vào cuộc xác minh.

Khi đưa heo nhiễm dịch đi tiêu hủy, tuyệt đối không được thu tiền của dân. (Ảnh minh họa). Ảnh: VĂN SỰ
Khi đưa heo nhiễm dịch đi tiêu hủy, tuyệt đối không được thu tiền của dân. (Ảnh minh họa). Ảnh: VĂN SỰ

Sáng qua 4.8, chúng tôi đến nhà bà Trương Thị Ban ở thôn Phú Vĩnh (xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến việc tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bà Ban cho biết, cách đây khoảng 7 ngày, 1 con heo nái và 2 con heo thịt của bà đang khỏe mạnh thì bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, toàn thân đỏ ửng, xuất huyết vùng bẹn - bụng... Gia đình bà Ban liền cấp báo cho chính quyền địa phương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đến kiểm tra triệu chứng lâm sàng và nhận định số heo trên bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nên buộc phải tiêu hủy khẩn cấp. “Trước khi đưa heo đi xử lý, mấy người có trách nhiệm của xã nói tôi phải đưa cho họ 150 nghìn đồng để thuê xe đào hố và vận chuyển 3 con heo bị mắc bệnh đi tiêu hủy với trọng lượng hơn 310kg heo hơi. Nghe vậy, tôi đã đưa cho họ 150 nghìn đồng” - bà Ban nói.

Không riêng bà Trương Thị Ban, nhiều hộ dân ở xã Quế Xuân 2 cũng phản ánh rằng, họ đã phải nộp tiền cho những người của xã trước khi đưa heo bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc làm việc với ông Lê Thọ Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 vào sáng cùng ngày. Ông Hồng cho biết, trong 2 ngày qua tại địa phương phát sinh rất nhiều đàn heo bị mắc bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp. “Toàn xã Quế Xuân 2 có khoảng 7.000 con heo các loại. Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 6/6 thôn của xã và tính đến thời điểm này Quế Xuân 2 đã có 750 con heo của 150 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 50 tấn heo hơi. Trong đó, thôn Phú Vĩnh sắp bị dịch hủy diệt hết đàn heo” - ông Hồng nói.

Trả lời câu hỏi “Có hay không việc xã thu tiền của người dân khi đến nhà đưa heo bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy?”, ông Lê Thọ Hồng thừa nhận là có và nói rằng việc làm này hoàn toàn sai. Ông Hồng cho hay, lãnh đạo xã không có chủ trương hay chỉ đạo gì về việc thu tiền của người dân có heo bị mắc bệnh. Việc làm này là do cán bộ thú y xã và tổ tiêu hủy heo đi làm nhiệm vụ tự ý thu với lý do là để trả tiền thuê xe đào hố chôn và vận chuyển heo đi tiêu hủy. “Chúng tôi đã nắm bắt thông tin và yêu cầu những người có liên quan lập danh sách, báo cáo cụ thể số hộ và số tiền đã thu của dân. Theo đó, có tổng cộng 23 hộ dân ở 2 thôn Phú Vĩnh và Phú Nguyên đã nộp cho tổ tiêu hủy heo của xã số tiền 5.450.000 đồng. Lãnh đạo xã đang quyết liệt chỉ đạo khẩn trương khắc phục tình trạng này” - ông Hồng nói thêm.

Ông Hồng còn cho biết, trong ngày 4.8 ông đã ký giấy mời gửi cho 23 hộ dân đã nộp tiền, đúng vào lúc 13 giờ 30 phút chiều thứ Hai 5.8 về tại UBND xã Quế Xuân 2 để hoàn trả số tiền 5.450.000 đồng mà cán bộ thú y xã và tổ tiêu hủy heo đã thu trong những ngày qua...

Chấn chỉnh ngay việc thu tiền của dân

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, trong những ngày trước, ở xã Bình Triều của huyện Thăng Bình nảy sinh việc địa phương tự ý thu tiền của người dân có heo mắc bệnh khi mang đi tiêu hủy. Về việc này, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y nói: “Thời gian qua, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và cả chính quyền các huyện, thị xã, thành phố không hề có văn bản, quy định nào chỉ đạo hay cho phép thu tiền của người dân có heo mắc bệnh khi thu gom mang đi tiêu hủy. Trường hợp xã Bình Triều thu tiền của người dân có heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh đã cử cán bộ về địa phương này kiểm tra, xác minh và khẳng định là có tình trạng trên. Ngay sau khi tôi liên lạc với lãnh đạo huyện Thăng Bình, đồng chí Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đã chỉ đạo UBND huyện trích ngân sách để xã Bình Triều trả lại tiền đã thu của dân. Đồng thời Huyện ủy yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xác minh và xử lý nghiêm sai phạm”. Ông Nguyễn Thành Nam cho biết thêm, Chi cục Chăn nuôi & thú y đang làm văn bản trình Sở NN&PTNT để tham mưu cho UBND tỉnh trong tuần này có công văn chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác phòng chống dịch. Trong đó, có việc không được thu tiền của người dân khi đi thu gom, tiêu hủy heo bệnh. “Chính quyền các địa phương phải chủ động xuất ứng nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nếu số tiền lớn thì tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí theo quy định. Kinh phí này dùng để chi trả cho các đội xung kích được thành lập ở cơ sở phục vụ cho việc phòng chống dịch, tiền công được tính theo quy định của Nhà nước” - ông Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy: Lại thêm địa phương thu tiền của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO