Dư luận xã hội đang bàn tán xôn xao về hành vi của một phó chủ tịch huyện cự cãi ở chốt kiểm dịch Covid-19.
Xem clip được báo chí đăng lại, nhiều người bất bình với thái độ của vị này bởi đó là kiểu lý sự của kẻ “bề trên”. Ông cãi rằng sao không đón tất cả phương tiện mà chỉ đón xe của mình làm “quê độ”, và chuyện đeo khẩu trang thì “không cần, xuống cơ quan nó phát”.
Nhiều bạn đọc bình luận rằng vị này tỏ thái độ thách thức, thậm chí có ý dọa nạt lực lượng thực thi nhiệm vụ, chứng tỏ là người có quyền lực, chứ không thì “tuổi nào” mà ngông nghênh như thế.
Có người đã liên hệ đến vụ một vị đại gia được cho là sàm sỡ hành khách trên máy bay. Khi được nhân viên an ninh mời rời khỏi máy bay thì vị này nói “mày biết tao là ai không, mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?”. Câu hỏi cùng với ngữ điệu này nhiều người bảo nghe quen quen rồi nhận ra đó là kiểu dựa hơi quyền lực vẫn tồn tại lâu nay trong đời sống xã hội.
Thật ra ngữ điệu gân cốt của nhiều kẻ có tiền, có quyền không khó bắt gặp. Tình huống tương tự hai vụ việc như trên có nhiều, thỉnh thoảng xuất hiện trên phương tiện truyền thông và được dư luận cho đó là điểm chung của những trọc phú thời nay. Đó là độ vênh dễ nhận ra từ những người chỉ lo cho phần vỏ khi có tiền, có quyền mà quên bồi bổ cho những phẩm chất bên trong.
Một thực trạng dễ thấy trong thực tế đời sống xã hội là nhiều người cậy có quyền, có tiền mà phách lối, coi thường người khác hay lợi dụng để vun vén lợi ích cho bản thân. Và phổ biến hơn, tình trạng người có tiền, có quyền giờ đây đang được ưu tiên nhiều hơn trong các dịch vụ, thậm chí là những dịch vụ công thiết yếu. Tình trạng này đã “góp phần” tạo ra lực cản trong việc thực hiện mục tiêu công bằng, văn minh của xã hội.
Thể hiện và sử dụng quyền lực cho mục đích cá nhân là nhu cầu bộc lộ không hiếm hiện nay nên nhiều người thường nghĩ đó là chuyện đương nhiên và chấp nhận theo kiểu chuyện gì cũng có cái giá của nó: khi người ta giàu lên, hoặc có quyền thì mối quan hệ rộng ra, và có thể trao đổi những thứ mình có vì cuộc sống cá nhân. Bởi thế không ít người có thói quen định giá các mối quan hệ và duy trì nó với tiêu chí sòng phẳng (bằng tiền hoặc bằng quyền) khi trao đổi; thậm chí còn quan niệm anh thì không nhưng tôi có thể thể hiện quyền lực bởi đã thành đạt và trải qua cửa ải cay đắng của người yếm thế...
Tư tưởng đó trong một số trường hợp nghe có vẻ xuôi tai nhưng thật sự là mầm mống nguy hại cho lý tưởng xây dựng một xã hội nhân văn. Đáng nói, tư tưởng này có nguy cơ lan rộng trong xu hướng đời sống hiện đại với bao lo nghĩ về chuyện cơm áo gạo tiền. Nguy hại hơn, nó dễ gây mất niềm tin cho xã hội, nhất là ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người dân nghèo; và ngược lại là môi trường để cho tình trạng lạm dụng quyền lực sinh sôi. Đây cũng là mảnh đất nuôi dưỡng những người chuyên dựa hơi quyền lực.