Đưa khoa học - công nghệ vào đời sống

BÍCH LIÊN 15/05/2014 10:11

Tăng cường đầu tư vào các đề tài/dự án có địa chỉ ứng dụng cụ thể, phục vụ hữu ích cho đời sống, là hướng đi của ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) Quảng Nam.

Năm 2013, Quảng Nam triển khai tổng cộng 13 đề tài trong danh mục nhiệm vụ KH-CN được UBND tỉnh phê duyệt. Đến năm 2014, toàn tỉnh có 14 đề tài và 3 nhiệm vụ KH-CN được hỗ trợ kinh phí triển khai. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Quảng Nam có 44 đề tài cấp tỉnh và 5 dự án có hỗ trợ kinh phí từ trung ương được thực hiện.

Đề cập thực trạng ứng dụng KH-CN vào đời sống trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, đa số đề tài/dự án trong giai đoạn này hướng vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng cụ thể, có khả năng nhân rộng. Ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, đề tài: “Đánh giá chi tiết tài nguyên nước vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam” đã giúp xác định được trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm vùng ven biển, tính toán cụ thể cho một số vùng trọng điểm như: Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Đề tài cũng đánh giá chất lượng nước theo không gian tại vùng ven biển, dự báo nhu cầu sử dụng nước và đề xuất định hướng khai thác cho các tiểu vùng. Hay như đề tài “Điều tra, đánh giá tài nguyên sinh vật khu vực hồ Phú Ninh phục vụ xây dựng khu bảo tồn sinh vật nước ngọt”… đã góp phần tạo lập bộ cơ sở dữ liệu về môi trường nước và đa dạng sinh học khu vực hồ Phú Ninh, từ đó đề xuất dự án nghiên cứu khả thi “Thành lập khu bảo tồn thiên nhiên tại hồ Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam”…

Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.L
Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: B.L

Cũng theo ông Phạm Viết Tích, lĩnh vực ứng dụng - phát triển công nghệ sinh học bước đầu có phần khởi sắc. Thời gian qua, một số đề tài về lĩnh vực nuôi cấy mô thành công bước đầu đã tạo đột phá trong lĩnh vực ứng dụng - chuyển giao công nghệ. Qua đó, đội ngũ làm khoa học có điều kiện tiếp cận và làm chủ công nghệ mới. Ví như ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh, tạo cây ăn quả đầu dòng chất lượng cao, bảo tồn nguồn gen quý và phục tráng giống bản địa (bưởi Đại Bình, lúa Ba trăng, tiêu Tiên Phước, sâm Ba kích…). Nổi bật là việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Sản phẩm của dự án được Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH-CN chuyển giao rộng rãi ở nhiều địa phương, phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững. Kết quả này đã được mở rộng ứng dụng vào thực tế khi Sở KH-CN đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện “Phương án hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH-CN để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại 50 xã điểm nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” (thực hiện từ 10.2013 đến 12.2014). Mục tiêu dự án là tạo ra 2.500 tấn phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho 50 xã điểm nông thôn mới. Trong năm 2014 này, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến càng được chú trọng. Nhiều cuộc hội thảo, nghiệm thu về một số đề tài liên quan đến ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được tổ chức, ví như đề tài “Ứng dụng công nghệ GIS phát triển du lịch Quảng Nam”. Riêng đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh” dự kiến sẽ tổ chức nghiệm thu vào nửa đầu năm 2014, cây con giống từ phòng thí nghiệm sẽ được đưa ra thực địa trồng tại núi Ngọc Linh (Nam Trà My) hứa hẹn mở ra triển vọng tạo vùng nhân sâm hàng hóa. Ngoài ra, đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất chế phẩm Trichoderma, phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế phục vụ cho cây trồng tại Quảng Nam” (phê duyệt năm 2013) đang tiến hành đã tạo tiền đề cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào đời sống.

Ông Phạm Viết Tích nhấn mạnh, giai đoạn 2014-2015, việc gắn kết khoa học với thực tiễn đời sống là mục tiêu cấp thiết mà ngành KH-CN nỗ lực hướng tới. Trong số 14 đề tài và 3 nhiệm vụ KH-CN được hỗ trợ kinh phí thực hiện năm 2014, những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh và Sở KH-CN đề ra cũng xoay quanh triển khai ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô sản xuất giống các loại cây trồng bản địa, đặc hữu, cây ăn quả chất lượng cao. Các dự án ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm xử lý môi trường tiếp tục phát huy hiệu quả. Riêng “Đề án khung quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2014-2020” với 3 nhiệm vụ trọng tâm: bảo tồn, phục tráng và phát triển các loài gen cây trồng, vật nuôi quý, bản địa của tỉnh, đã hoàn thành việc xét duyệt đề cương, thẩm định kinh phí trong quý I.2014. “Năm 2014, ngành KH-CN tiếp tục nỗ lực phấn đấu để phát huy các kết quả đạt được của năm 2013, từng bước hiện thực hóa, đưa cơ chế chính sách của Luật KH-CN mới, Nghị quyết 20/NQ-TW về phát triển KH-CN… đi vào cuộc sống. Mục tiêu đến năm 2015 là có 60% đề tài/dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống” - ông Phạm Viết Tích khẳng định.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa khoa học - công nghệ vào đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO