Đưa khởi nghiệp sáng tạo vào hoạt động giáo dục

HỒ QUÂN 09/01/2023 08:51

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên là hoạt động giáo dục quan trọng, giúp các em bước đầu nhận biết vai trò của khởi nghiệp, lập nghiệp trong đời sống. Qua đó, hình thành ý tưởng, kích thích tư duy và khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo cho các em từ thời ngồi trên ghế nhà trường.

Những sản phẩm sáng tạo khoa học và kỹ thuật của học sinh, sinh viên tỉnh được đánh giá cao về tính ứng dụng trong cuộc sống. Ảnh: H.Q
Những sản phẩm sáng tạo khoa học và kỹ thuật của học sinh, sinh viên tỉnh được đánh giá cao về tính ứng dụng trong cuộc sống. Ảnh: H.Q

Triển vọng từ những cuộc thi 

Dù chỉ mới tổ chức lần đầu tiên vào năm học 2021 - 2022, nhưng cuộc thi sản phẩm dạy học STEM dành cho học sinh trung học của Sở GD-ĐT phát huy hiệu quả.

Trong tổng số 218 sản phẩm đăng ký thì có 79 sản phẩm được đánh giá rất cao. Đây là sân chơi trí tuệ mới, khuyến khích học sinh tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tích hợp vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực, phẩm chất.

Từ cuộc thi, có 3 dự án sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong đời sống được Sở GD-ĐT chọn tham gia triển lãm tại Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Chuyển đổi số - Sản phẩm OCOP Quảng Nam lần thứ 3 (TechFest 2022).

Đó là các dự án “Thiết kế đèn ngủ bằng pin điện hóa”, “Tái chế dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng handmade” của học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ); “Điều chế nước giải khát lên men từ trái cây” của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành).

Em Nguyễn Thị Phương Dung - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành viên dự án “Thiết kế đèn ngủ bằng pin điện hóa” cho biết: “Nhóm chúng em gồm 5 người thực hiện dự án dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Sau rất nhiều ý tưởng đưa ra, chúng em chọn sáng tạo đèn ngủ tiết kiệm điện, được vận dụng từ 3 kiến thức Toán - Lý - Hóa.

Cụ thể, điện được tạo từ tuabin nước của kiến thức Vật lý; điện được tạo từ phản ứng trao đổi ion trong Hóa học giữa muối và kim loại; kết hợp cấu trúc hình tháp ngược trong Toán. Để hoàn thiện dự án, chúng em tăng cường làm việc theo nhóm, mỗi người phụ trách từng phần theo thế mạnh của mình. Hy vọng trong tương lai, dự án này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, ứng dụng cho người dân vùng cao”.

 

Hiện nay, ở cấp tỉnh, những sân chơi phát huy tính đổi mới, sáng tạo cho học sinh, sinh viên ngày càng phổ biến, trải rộng ở nhiều lĩnh vực và phát huy tính hiệu quả. Tiêu biểu là các cuộc thi “Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học” và “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” của Sở GD-ĐT; Cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng của Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh; “Tin học trẻ” của Tỉnh đoàn… Từ cuộc thi cấp tỉnh, những dự án, sản phẩm có chất lượng sẽ được hỗ trợ, đầu tư để tham gia các cuộc thi quy mô lớn hơn.

Trong số đó, sáng tạo khoa học và kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh là cuộc thi thường niên, hình thành sớm, duy trì hiệu quả qua 15 lần tổ chức và tạo phong trào thi đua trong học sinh, sinh viên toàn tỉnh.

Riêng năm 2022, có 229 đề tài, mô hình, sản phẩm tham gia ở 5 hạng mục, bao gồm đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và trò chơi trẻ em; giải pháp kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Ông Huỳnh Đức Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh nói: “Dù đạt giải hay không, cuộc thi vẫn sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi để thanh thiếu niên, nhi đồng nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, tạo tiền đề cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm chuyên sâu, có giá trị thực tiễn được triển khai trong tương lai, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương Quảng Nam”.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Thị Bảo Trinh, học là nhiệm vụ chính, nhưng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong học sinh, sinh viên cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Qua những cuộc thi, sân chơi sáng tạo hay những diễn đàn khởi nghiệp sẽ trang bị cho các em kiến thức ban đầu, nuôi dưỡng ý tưởng, hình thành tư duy để khởi nghiệp, lập nghiệp sau khi rời ghế nhà trường.

Hỗ trợ sinh viên, học sinh

Theo PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam, để trở thành nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, những năm qua, nhà trường đã lồng ghép chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và tạo điều kiện để các em tham gia các lớp tập huấn, hội thảo khoa học về khởi nghiệp. Đồng thời mời các chuyên gia về trường trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về khởi nghiệp, cách gọi vốn và các kỹ năng về trình bày, phát triển sản phẩm.

“Phần lớn ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên nhà trường được nhen nhóm và gắn với nghề nghiệp các em đang học. Điều này sẽ thuận lợi cho cấp khoa và giáo viên hỗ trợ ban đầu.

Cạnh đó, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp của nhà trường đang được xây dựng, kết nối. Đây sẽ là hoạt động hỗ trợ rất quan trọng và kịp thời để nuôi dưỡng ước mơ và đồng hành với các em trong suốt quá trình khởi nghiệp. Xa hơn là kết nối ý tưởng khởi nghiệp với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, đầu tư” - bà Anh cho biết.

Bà Anh thông tin thêm, năm 2023, đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (Startup Kite)”. Hoạt động này nằm trong chuỗi các sự kiện Năm quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023.

Với 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước tham gia, Startup Kite 2023 hứa hẹn tiếp nhận nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp thiết thực, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên Quảng Nam.

Theo Sở GD-ĐT, thời gian qua, thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của học sinh về khởi nghiệp.

Đồng thời khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ học sinh khởi nghiệp, sáng tạo ở các trường học; khuyến khích các trường chủ động tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại các trường học.

Đến nay, tất cả trường THPT đã lồng ghép kế hoạch triển khai Đề án 1665 vào kế hoạch năm học của đơn vị, thành lập tổ tư vấn học đường. Các trường duy trì hoạt động ngoại khóa cho học sinh về việc hướng nghiệp, chọn nghề; phối hợp các đoàn thể trong và ngoài nhà trường, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, cựu học sinh thành đạt tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ nhằm định hướng nghề nghiệp, nhu cầu lao động của xã hội. Qua đó giúp học sinh có nhận thức đúng đắn, có sự lựa chọn phù hợp trong quá trình phấn đấu học tập và rèn luyện.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa khởi nghiệp sáng tạo vào hoạt động giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO