Đưa làng nối phố

VĨNH LỘC 05/11/2017 09:37

Một kế hoạch phát triển du lịch về vùng Gò Nổi đang được Trung tâm VHTT huyện Điện Bàn triển khai với kỳ vọng đánh thức tiềm năng mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này và kết nối vào con đường di sản.

Làng Cẩm Phú sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, làng nghề để phát triển du lịch.Ảnh: VĨNH LỘC
Làng Cẩm Phú sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, làng nghề để phát triển du lịch.Ảnh: VĨNH LỘC

Kết nối Hội An

Hành trình cho một chuyến du ngoạn trải nghiệm không gian làng quê - làng nghề từ phía hạ nguồn sông Thu Bồn trên những con thuyền du lịch đưa khách ghé thăm làng Triêm Tây, đất nung Lê Đức Hạ, gỗ Nguyễn Văn Tiếp, làng nghề Đông Khương (Điện Phương)… trước khi cập bến Gò Đình khám phá Gò Nổi. Vùng đất gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang với những dấu tích lịch sử văn hóa vẫn còn in đậm trên những tên đất, tên làng. Đó là Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt tuẫn tiết giữ thành. Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, 23 tuổi đã đỗ tiến sĩ; chí sĩ Trần Cao Vân với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân hay nhà yêu nước Phan Thành Tài. Đó còn là tiến sĩ Phạm Liệu, Phạm Tuấn, phó bảng Dương Hiển Tiến - 3 trong 5 danh sĩ đã làm nên kỳ tích “Ngũ phụng tề phi” lừng lẫy một thời.

Gò Nổi cũng là nơi sinh ra những anh hùng, liệt sĩ trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm như y sĩ - liệt sĩ Lê Đình Dương, bác sĩ - cư sĩ Lê Đình Thám, nhà hoạt động cách mạng Phan Thanh, Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), nữ anh hùng Trần Thị Lý, hay Nguyễn Trọng Nghĩa được ví như Phan Đình Giót của miền Nam cùng nhiều cái tên đi vào sử sách. Đây cũng là nơi ghi dấu bao chiến công của quân và dân Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với câu ca “Nhất Củ Chi nhì Gò Nổi” cùng những địa danh Kho Muối, Lò Gạch, Trừng Giang, chợ Chương Dương… Gò Nổi là vùng đất quyến rũ với phong cảnh làng quê thơ mộng; dòng sông Thu Bồn, bàu Lỡ, Vũng Rồng; vùng đất từng nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; trồng mía làm đường bát; mây tre, trồng hoa, gỗ mộc…  

Theo bà Phan Thị Thái Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT thị xã Điện Bàn, làng Cẩm Phú (Điện Phong) sẽ được chọn thí điểm xây dựng làng du lịch cộng đồng nhằm kết nối, đón đầu sự lan tỏa khách từ Hội An trên con đường di sản, khởi đầu cho kế hoạch tiếp theo là thúc đẩy du lịch Gò Nổi phát triển trong tương lai. “Lợi thế của Cẩm Phú là điểm kết nối đường bộ và đường thủy tương đối dễ dàng  cho khách trên tuyến hành trình du lịch Mỹ Sơn - Hội An. Ngoài ra, làng cũng sở hữu khá nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, làng nghề cùng phong cảnh thiên nhiên hữu tình…” - bà Hoa chia sẻ.

Nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng

Phát triển du lịch làng đang trở thành xu hướng của nhiều địa phương trong tỉnh nhằm tận dụng lợi thế tại chỗ, hướng đến cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân. Đặc biệt, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên, nhân văn.

Làng Cẩm Phú bao gồm 2 thôn Cẩm Phú 1 và Cẩm Phú 2. Ngoài những lợi thế của vùng đất, làng sở hữu những điều kiện có thể phát triển du lịch như gỗ nghệ thuật Âu Lạc, cơ sở mây tre, làng hoa Cẩm Phú, đình Cẩm Lậu, bến đò Gò Đình, bàu Lỡ, bàu Hà Tre, cầu Tẩu… Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng làng du lịch, đầu tháng 12 này thị xã Điện Bàn sẽ chính thức tổ chức đoàn khảo sát và tọa đàm về phát triển du lịch làng Cẩm Phú với sự tham dự của các chuyên gia du lịch, các tổ chức quốc tế (ILO, UNESCO) cùng các đơn vị lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh. Ông Dương Nguyễn Hiển Ái – trưởng thôn Cẩm Lũ 1 chia sẻ, bao đời nay người dân thôn chủ yếu làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên việc làng được chọn phát triển du lịch, dù mới chỉ là kế hoạch nhưng đây sẽ là niềm vinh dự lớn cho thôn.  “Kỳ vọng lắm, đây sẽ là hướng phát triển tốt cho thôn, dù chắc chắn thời gian sẽ phải kéo dài lâu mới hiện thực hóa” - ông Ái nói.  

Cùng với Triêm Tây (Điện Phương), Cẩm Phú sẽ là một mô hình du lịch làng gần phố tiếp theo của Điện Bàn nhằm tận dụng những thuận lợi về hạ tầng và dịch vụ, nhất là lượng khách từ 2 trung tâm du lịch Hội An và Đà Nẵng. Đặc biệt, việc chọn Cẩm Phú không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi sinh kế người dân mà còn góp phần tạo điều kiện để chính quyền địa phương quy hoạch lại không gian làng như vườn cây ăn quả, vườn nông nghiệp, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm,  xây dựng những con đường hoa, phát động cải tạo cảnh quan sinh thái theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu… Theo ông Lê Lai – Chủ tịch UBND xã Điện Phong, làng Cẩm Phú hay rộng hơn là Điện Phong, Gò Nổi đứng trước cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, vì nơi đây sở hữu khá nhiều tài nguyên nổi trội, ẩn chứa những câu chuyện, vẻ đẹp về lịch sử văn hóa, danh thắng. “Chúng tôi biết việc phát triển làng du lịch cộng đồng tại Cẩm Phú là một quá trình và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Địa phương sẽ triển khai công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức người dân, đồng thời bổ sung, điểu chỉnh lại quy hoạch để phù hợp từng giai đoạn, tuyến điểm. Trong đó, việc quy hoạch lại bến đò, bến đỗ, trạm dừng chân… cũng sẽ sớm được triển khai nếu điều kiện kinh phí thuận lợi” - ông Lai cho biết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa làng nối phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO