Công tác giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương luôn được huyện Hiệp Đức và ngành GD-ĐT địa phương quan tâm nhằm góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, khơi dậy niềm tự hào quê hương trong thế hệ trẻ.
Những cách làm cụ thể
Nhiều năm theo dõi mảng giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương trong trường học, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, cán bộ Phòng GD-ĐT Hiệp Đức cho biết, trong nội dung chương trình môn Lịch sử cấp THCS luôn dành một phần cho giáo dục lịch sử địa phương.
Trước đây, chuyện làm thế nào để dạy học lịch sử địa phương khi chưa có một chương trình thống nhất, là điều khiến thầy cô giáo phải trăn trở… Nhận ra vấn đề, giữa năm học 2013 - 2014, Phòng GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức hội thảo về dạy học lịch sử địa phương, lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía.
Sau hội thảo, một chương trình dạy học lịch sử địa phương cùng với tài liệu dạy học dùng chung trong toàn huyện được ban hành. “Việc dạy học lịch sử, văn hóa địa phương không chỉ dừng ở chương trình chính khóa mà còn lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa ở các trường học” - bà Lệ Huyền chia sẻ.
Sau đó, ngày 1.8.2017 HĐND huyện Hiệp Đức ban hành Nghị quyết 40 về khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống (giai đoạn 2018 - 2021) đã tiếp thêm động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục lịch sử văn hóa địa phương.
Nhiều trường học đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đơn vị. Như Trường Tiểu học và THCS Lý Thường Kiệt (xã Hiệp Hòa), hằng năm tổ chức cho học sinh gặp gỡ và nghe cựu chiến binh kể chuyện lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương.
Từ năm học 2018 - 2019, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức đưa múa cồng chiêng vào chương trình dạy học ngoại khóa cho học sinh nội trú với thời lượng 4 buổi/tuần.
Tại xã Bình Lâm, cô Vũ Hải Hiệp - giáo viên Tổng phụ trách Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Tôi thường xuyên đưa các hoạt động giáo dục về di tích và các làn điệu dân ca, bài chòi vào công tác trọng tâm của đội và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Bên cạnh cho học sinh tham quan các điểm di tích Căn cứ Khu ủy khu 5, Giếng nước Đại biểu Quốc hội, giếng Hóc Mẹo, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã…, chúng tôi đã mời nghệ nhân dân ca đến dạy hát dân ca, hô bài chòi; tổ chức hội thi và hội diễn trong toàn trường”.
Biên soạn sách lịch sử
Qua thời gian, việc giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương tiếp tục có sự đột phá mới, khi Hiệp Đức vừa hoàn thành biên soạn, in ấn và đưa vào giảng dạy cuốn sách “Hiệp Đức, sơ lược địa lý, lịch sử, văn hóa”. Được biết, đây là địa phương cấp huyện tiên phong trong tổ chức biên soạn sách phục vụ giảng dạy, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương.
Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, thực hiện Chỉ thị 13 ngày 28.9.2018 của Huyện ủy về tăng cường việc giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương huyện Hiệp Đức trong các trường phổ thông trên địa bàn huyện, UBND huyện đã giao Phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch, thành lập tổ biên soạn, tổ biên tập và tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương huyện Hiệp Đức.
Với nỗ lực của tổ biên soạn và sự tham gia thẩm định của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đến nay tài liệu “Hiệp Đức, sơ lược địa lý, lịch sử, văn hóa” đã được in ấn, ban hành và chính thức đưa vào sử dụng trong năm học 2021 - 2022. Đây là công trình tâm huyết của tập thể tổ biên soạn sau hơn một năm triển khai.
Cuốn sách sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - hướng nghiệp, chính trị - xã hội của huyện Hiệp Đức. Đồng thời góp phần bồi dưỡng tình yêu, lòng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa quê hương, giúp học sinh có khả năng tự định hướng nghề nghiệp, khả năng thích ứng cuộc sống...
Bà Huỳnh Thị Kim Thảo - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Hiệp Đức cho biết, cuốn “Hiệp Đức, sơ lược địa lý, lịch sử, văn hóa” có 105 trang gồm 5 chương và 15 bài về 4 nhóm vấn đề chính: địa lý địa phương, lịch sử truyền thống, văn hóa và kinh tế, hướng nghiệp.
Đến nay, Phòng GD-ĐT đã in lần một 300 cuốn để phục vụ năm học 2021 - 2022. Tài liệu không dùng để tổ chức dạy học trong chương trình chính khóa của nhà trường mà được dùng như tài liệu tham khảo. Đối với các trường phổ thông, tài liệu được sử dụng làm tư liệu để tổ chức các hoạt động giáo dục nhân các ngày chủ điểm, các hội thi tìm hiểu về huyện.
Giáo viên tiểu học, THCS và THPT sử dụng tài liệu để liên hệ thực tế khi dạy các bài học liên quan trong chương trình và dạy hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, các trường THCS sử dụng tài liệu để tích hợp trong dạy học Nội dung giáo dục địa phương lớp 6, một số môn học ở các lớp 7, 8, 9, hoạt động hướng nghiệp ở lớp 9…