Những ngày cuối năm, chúng tôi vượt hơn 100 cây số, từ Tam Kỳ lên xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) để trợ giúp pháp lý (TGPL). Cơn mưa chiều làm con đường từ trung tâm Tắc Pỏ lên Trà Linh càng khó đi hơn. Những chiếc xe máy cố băng qua đoạn đường lầy trơn trượt để đưa đoàn công tác về với bà con đồng bào Xê Đăng.
Người dân xem thông tin tờ rơi, tờ gấp do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cấp phát tại buổi TGPL lưu động.Ảnh: Xuân Nghĩa |
“Thông qua các hoạt động TGPL lưu động, nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân ngày được nâng lên. Qua đó giúp người dân có thể lựa chọn những hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật, tự bảo vệ mình hoặc tìm đến trung tâm yêu cầu được trợ giúp. Điều này giúp hạn chế những khiếu kiện không đúng pháp luật, vượt cấp, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”. (Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh - Lê Văn Hương) |
Tham gia cùng đoàn, ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết: “Đưa luật về tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con cũng là cách giúp họ xóa đói, giảm nghèo. Việc làm này đối với những người làm công tác TGPL như chúng tôi là một vinh dự”.Ông Hương cũng chia sẻ rằng, ở TP.Tam Kỳ người dân đã dần quen với Trung tâm TGPL nên hàng ngày luôn có người đến nhờ tư vấn trên các lĩnh vực đất đai; cán bộ trung tâm còn tham dự các phiên tòa hình sự, dân sự… Có khi người đến nhờ trợ giúp khiếu nại sai do chưa hiểu hết vấn đề; cán bộ trung tâm giải thích và tuyên truyền để họ thấy cái sai của mình, hiểu ra vấn đề để chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. “Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao không có điều kiện đến Trung tâm TGPL tỉnh nhờ tư vấn nên chúng tôi xác định dù có khó khăn đến mấy cũng quyết đến với bà con, giúp họ phần nào nắm được các văn bản pháp luật” - ông Hương nói.
Tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã thuộc các huyện nghèo để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức sinh hoạt các tổ hòa giải để giải quyết tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. Phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động như sinh hoạt chuyên đề pháp luật; tổ chức lớp học pháp luật buổi tối; in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật và băng cassette, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số; lồng ghép nội dung pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân tộc và các hoạt động khác phù hợp với phong tục địa phương để nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho người được TGPL. Truyền thông về TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL tại trụ sở UBND cấp xã và nhà sinh hoạt cộng đồng để nhân dân biết, thực hiện quyền được TGPL của mình… (Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 18.8.2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020) |
Buổi TGPL tại UBND xã Trà Linh, đồng bào đến dự đông như ngày hội. Chủ tịch UBND xã - Hồ Văn Chính vui mừng nói: “Nghe tin có đoàn cán bộ về TGPL, bà con các nóc trong xã mừng lắm. Bà con còn bảo lâu nay chỉ biết có cái rẫy, giờ được nghe tuyên truyền về pháp luật, có chút kiến thức để giáo dục con cháu tránh các hủ tục lạc hậu nên rất ưng cái bụng. Nhiều người tạm gác chuyện nương rẫy, đi bộ mấy tiếng đồng hồ về xã tham dự”. Buổi TGPL còn có sự tham dự của các ngành liên quan ở xã. Mọi người chăm chú nghe đoàn TGPL phổ biến Luật TGPL, những nội dung mới của Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công; quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất... Đoàn cán bộ TGPL còn phát tờ rơi với nội dung và hình ảnh trực quan tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai... Nhận tờ rơi từ tay cán bộ TGPL, bà Hồ Thị Đốt (trú thôn 1) bộc bạch: “Nghe cán bộ tuyên truyền nhiều điều hay, nhưng tính già hay quên nên có thêm tờ rơi này đem về cho con cháu đọc. Từ nay phải khuyên bọn trẻ sinh ít lại, như thế mới có điều kiện chăm sóc con, bớt được cảnh thiếu ăn”.
Ngoài việc được nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bà con được đoàn giải thích nhiều ý kiến thắc mắc về các lĩnh vực, cũng như hướng dẫn các quy trình, thủ tục làm lại hồ sơ khen thưởng huân, huy chương bị mất nên chưa được hưởng chế độ; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Ông Hồ Văn Đing (trú thôn 2) phấn khởi nói: “Lâu nay đến xã nhờ tư vấn làm hồ sơ đề nghị cấp Huân chương Kháng chiến chống Mỹ bị thất lạc nhưng không được hướng dẫn cụ thể. Nay có cán bộ TGPL giải thích tường tận, tôi rất mừng”. Ông Trần Văn Đài - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nam Trà My tham gia cùng cán bộ TGPL cũng nhân dịp này góp ý để UBND xã chỉnh sửa các văn bản như công văn, quyết định, tờ trình và quy chế làm việc cho phù hợp với quy định thể thức văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch UBND xã Trà Linh - ông Hồ Văn Chính chia sẻ: “Buổi TGPL rất có ý nghĩa đối với xã vùng cao chúng tôi. Đây là dịp cán bộ nắm bắt thêm chính sách pháp luật để hướng dẫn người dân làm các thủ tục và giải quyết những phát sinh từ cơ sở ngày càng đi vào nền nếp”.
X.NGHĨA - HẰNG VÂN