Giải pháp được xác định để có thể tạo ra các đột phá trong phát triển kinh tế biển ở Cù Lao Chàm chính là đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy chính quyền địa phương và ngành điện đang huy động nhiều nguồn lực để triển khai dự án.
|
Dù có trạm phát điện hỗn hợp pin mặt trời - diezel, nhiều gia đình ở Bãi Hương (CLC) phải mua thêm máy phát điện mới đủ điện dùng cho sinh hoạt. |
Với nhiều giá trị văn hóa và thiên nhiên cùng sự đa dạng sinh học vốn có, quần đảo Cù Lao Chàm trở thành nơi lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá. Từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, lượng khách du lịch đến đây tham quan, nghỉ dưỡng tăng rất nhanh. Năm 2010 với 60 nghìn lượt đến du lịch tại Cù Lao Chàm thì đến năm 2013 đã lên đến hơn 94 nghìn lượt khách. Các dịch vụ mới ra đời như lưu trú, lặn biển ngắm san hô, câu cá, tham quan di tích văn hóa lịch sử... được xem là những tiềm năng để phát triển mạnh các ngành kinh tế du lịch biển và hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở Cù Lao Chàm là thiếu điện. Do nằm cách xa đất liền nên đến nay đảo vẫn chưa có nguồn điện lưới quốc gia. Từ nhiều năm qua, Cù Lao Chàm sử dụng nguồn điện tại chỗ gồm 2 trạm phát điện diezel, 1 trạm phát điện hỗn hợp pin mặt trời và diezel. Trong một ngày chỉ được sử dụng điện không quá 6 giờ. Buổi trưa từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ, buổi chiều từ 17 giờ 30 phút đến 22 giờ (mùa đông), và từ 18 giờ đến 22 giờ 30 phút (mùa hè). Do hạn chế công suất và thời gian phát nên điện chỉ dùng thắp sáng, xem ti vi, chạy máy quạt và sinh hoạt gia đình. Cả xã đảo, tổng sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi tháng không quá 20.000kWh. Theo Công ty Công trình công cộng Hội An (đơn vị quản lý), hiện giá thành mỗi kWh ở Cù Lao Chàm lên đến 12 nghìn đồng, mỗi năm TP.Hội An phải trích ngân sách bù lỗ, hỗ trợ tiền điện cho người dân lên đến 2,5 tỷ đồng.
Để tạo đột phá cho phát triển Cù Lao Chàm, mới đây HĐND TP.Hội An đã thông qua chương trình phát triển du lịch Cù Lao Chàm từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các đề án quy hoạch gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề năng lượng. Nhiều chuyên gia nhận xét, về khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo trên đảo thực sự không nhiều, khả dĩ có thể khai thác được nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhưng cũng không lớn lắm.
Từ lâu, phương án đầu tư đưa điện lưới quốc gia ra Cù Lao Chàm được xem là khả thi nhất. Tuy nhiên, kéo điện vượt biển ra đảo đang “vướng” là nguồn vốn đầu tư khá lớn. Thời gian qua, TP.Hội An đã thuê Công ty Tư vấn điện 4 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nghiên cứu, lập dự án cấp điện bằng cáp ngầm cho Cù Lao Chàm từ nguồn điện lưới quốc gia. Theo đó, sẽ lắp đặt tuyến cáp ngầm dưới biển dài 15,5km sử dụng 1 sợi cáp 3 lõi và kéo mới 14km đường dây 22kV, 16km đường dây hạ áp 0,4kV và lắp đặt 8 trạm biến áp 22/0,4kV với công suất khoảng 1.280kVA. Tổng nguồn vốn đầu tư cho công trình ước khoảng 500 tỷ đồng.
Trên cơ sở thống nhất thỏa thuận về nguồn vốn đầu tư với Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), mới đây UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Quảng Nam triển khai đầu tư dự án cấp điện lưới quốc gia cho Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm. Trong đó, 50% tổng mức đầu tư dự án từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương; 50% nguồn vốn đầu tư còn lại do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu xếp để thực hiện và hoàn thành dự án trong năm 2015. Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, EVNCPC cho biết, nếu được Thủ tướng Chính phủ và EVN chấp thuận, EVNCPC sẽ ứng trước 10 tỷ đồng để thuê tư vấn lập dự án đầu tư trong tháng 6 này. Trên cơ sở dự án đầu tư phê duyệt, EVNCPC sẽ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu khảo sát thiết kế, chế tạo, cung cấp và thi công lắp đặt cáp ngầm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đóng điện vào đầu tháng 6.2015.
HÀ ĐẶNG