Thông qua 3 chương trình và 1 kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) tại Hội nghị lần thứ 9 vừa qua, Tỉnh ủy (khóa XXII) đặt quyết tâm cao nhất trong hành động để lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, tạo sức bật cho sự phát triển chung của tỉnh thời gian tới.
Hiện đại hóa quản lý đất đai
Từ thực tiễn phát triển của Quảng Nam, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tỉnh ủy (khóa XXII) khẳng định rõ quan điểm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai. Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Giải quyết tốt những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành sửa đổi các cơ chế, chính sách có liên quan theo thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh sau khi Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai trên địa bàn tỉnh thống nhất, đồng bộ. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, các cấp, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), định kỳ đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Tập thể cấp ủy và người đứng đầu đặt quyết tâm cao nhất trong hành động để lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong việc quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu giải quyết cơ bản những vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị; đất tôn giáo, đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến năm 2030, chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, chương trình hành động của Tỉnh ủy (khóa XXII) nhấn mạnh yêu cầu tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nêu rõ nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.
Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tỉnh ủy (khóa XXII) đặt mục tiêu đến năm 2023 xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn ngày được nâng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, trong sạch, vững mạnh.
Lượng hóa mục tiêu đến năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân 3,5%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân hơn 10%/năm.
Có 90% số xã đạt chuẩn NTM; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn từ 18 - 18,5 tiêu chí/xã; có 60% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 30% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (trong đó, có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu). Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí tỉnh NTM…
Tại chương trình hành động, Tỉnh ủy nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Theo đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm tại chỗ, thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Tăng cường liên kết sản xuất
Với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội Nghị Trung ương 5 (khóa XIII), theo Tỉnh ủy (khóa XXII), phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đưa Nghị quyết 20-NQ/TW (khóa XIII) đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy xác định tập trung đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.
Theo đó, xây dựng phương án, tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể, như nợ tồn đọng kéo dài, các quan hệ về tài sản của hợp tác xã, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể…
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ thành lập mới khoảng 450 - 600 tổ hợp tác, 300 - 400 hợp tác xã, 7 liên hiệp hợp tác xã. Doanh thu bình quân của hợp tác xã tăng khoảng 5 - 6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã tăng khoảng 3 - 5%/năm; lãi bình quân của hợp tác xã tăng khoảng 3 - 5%/năm. Đảm bảo khoảng 60 - 70% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại khá, tốt; khoảng 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.