“Điều quan trọng có tính quyết định là việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương. Đây chính là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của tập thể cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác cán bộ tỉnh Quảng Nam, ngày 23.2.
Mở đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”
Hội nghị thu hút hơn 5.100 cán bộ từ tỉnh đến cấp xã tham gia. Quán triệt nội dung Kế hoạch 107 ngày 7.1.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, đồng chí Phan Việt Cường nói, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Tự soi, tự sửa”.
Cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 21, tại Kế hoạch 107 ngày 7.1.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định quyết tâm tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay.
Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện Kết luận số 21; tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
“Đối với Quảng Nam, trong công tác cán bộ, nhất là việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện chu đáo, công khai, thảo luận rất kỹ lưỡng, dân chủ, công tâm và quyết tâm không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền. Được tổ chức bố trí, phân công nhiệm vụ người cán bộ hãy ra sức cống hiến, phấn đấu hoàn thành tốt, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần phục vụ nhân dân”.(Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường)
Kế hoạch 107 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 2 nhóm nhiệm vụ thực hiện năm 2022 và 9 nhóm nhiệm vụ thường xuyên; phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của thể cho 13 cấp ủy, tổ chức đảng của các cơ quan, đơn vị trong cụ thể hóa Kết luận 21 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cùng với kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 21, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì cấp ủy cấp trên phải kịp thời xem xét, gợi ý, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; đồng thời chú trọng kiểm tra, giám sát việc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của cấp ủy cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan.
Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương ở những nơi có điều kiện.
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp được tăng cường, tập trung ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Có biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Ngày 22.2.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh. Theo đề án, thời gian chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 năm đến 5 năm.
Hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, cuối năm báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.
Năm 2022 (từ tháng 3.2022 đến hết tháng 6.2022) thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, địa phương; báo cáo kết quả; đồng thời đề xuất vị trí, danh sách nhân sự cần chuyển đổi vị trí công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương về Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Ban cán sự đảng UBND tỉnh để quyết định chủ trương, phê duyệt danh sách, lộ trình chuyển đổi theo phân cấp quản lý cán bộ. Năm 2023 triển khai thực hiện chuyển đổi vị trí công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Truyền đạt nội dung đề án đến hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác hiện nay chỉ dừng lại ở cấp phòng, trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, chuyển đổi đối với một số chức danh công chức cấp xã, chưa thực hiện ở những vị trí cần phải chuyển đổi theo các quy định của Trung ương.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, chủ động trong phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, việc ban hành Đề án chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh là hết sức cần thiết.
Nói về nguyên tắc thực hiện, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết, đề án xác định chuyển đổi vị trí công tác là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của tập thể lãnh đạo, của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị.
Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện quyết liệt nhưng không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thực hiện từng bước theo lộ trình, theo kế hoạch hằng năm và cả nhiệm kỳ; phải được công khai trong cơ quan, đơn vị; bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị; không được lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nguyên tắc hoán đổi, không làm tăng hoặc vượt biên chế đã được giao của cơ quan, đơn vị.