Cuối tuần qua, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng đoàn kiểm tra 540 của Bộ Chính trị (khóa XIII) chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thông qua báo cáo kết quả kiểm tra việc triển khai, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo của Đoàn kiểm tra 540 đánh giá, tiến độ triển khai nhiệm vụ tại các chương trình hành động của Quảng Nam được thực hiện đảm bảo. Đồng thời hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Đột phá trong công tác cán bộ
Cụ thể hóa, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 30/6/2021 xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Kịp thời bổ sung nhóm nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và Kết luận 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, các kiến nghị của Đoàn kiểm tra 540 sẽ được đưa vào chương trình công tác năm 2023 để Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh được tốt hơn.
Trong công tác tổ chức, cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết, 4 quy định, 3 kế hoạch mang tính chiến lược, nhất là nghiên cứu, cụ thể hóa, ban hành các quy định khung về các khâu trong công tác cán bộ như quy hoạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đánh giá cán bộ.
Kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh đảm bảo theo lộ trình, quy định của Trung ương; công tác tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bước đầu đạt hiệu quả. Chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, quy định, đề án quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng nhằm tạo đột phá trong công tác cán bộ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch mới nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.
Tập trung xử lý, khắc phục các sai phạm theo tinh thần Kết luận số 71-KL/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư; tiếp tục thực hiện và chỉ đạo công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo quy định. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đứng điểm, phụ trách các địa phương, đơn vị; kịp thời khắc phục những hạn chế trong công tác tổ chức, cán bộ.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc
Về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, theo Đoàn kiểm tra 540, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, thích ứng an toàn, linh hoạt nên tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Ba nhiệm vụ đột phát chiến lược giai đoạn 2020 - 2025 được tập trung thực hiện, nhất là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; các khu, cụm công nghiệp; thúc đẩy sự phát triển vùng kinh tế động lực - vùng Đông Nam của tỉnh; xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị loại 1 thuộc tỉnh… Đẩy mạnh các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư trong một số lĩnh vực.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế năm 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Song, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Quảng Nam có những tín hiệu hết sức khả quan, tăng trưởng kinh tế đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đoàn kiểm tra 540 của Bộ Chính trị đánh giá, việc ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa nghị quyết của Đảng tại Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đảm bảo tính hiệu quả, quá trình thực hiện các nhiệm vụ có nhiều nội dung đổi mới, cách làm hay, sáng tạo.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Du - Phó Trưởng đoàn kiểm tra 540 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức các phiên làm việc, hội nghị, hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các điểm cơ chế, giải pháp để thực hiện hiệu quả một số công trình, dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhất là 9 nội dung theo Thông báo số 135/TB-VPCP, ngày 6/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam.
Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Thống nhất với báo cáo kiểm tra của Đoàn kiểm tra 540, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, Quảng Nam đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng. Đồng thời vừa qua, Trung ương tiếp tục có chỉ đạo một số nội dung để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhưng đến nay, một số nội dung chưa có hướng dẫn, rất khó làm trong thực tiễn.
Ví dụ như Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, từ khi ban hành đến nay đã hơn một năm nhưng địa phương không thể triển khai thực hiện được.
Thực trạng hiện nay, nhiều cán bộ làm cho hết trách nhiệm, đúng nguyên tắc, quy định được giao, còn sự sáng tạo, đổi mới trong công việc còn hạn chế! Rất nhiều cấp, nhiều ngành như vậy. Làm thì không dám làm, như đấu thầu mua sắm thuốc men; rồi cũng không dám nói, bởi sợ bị truy trách nhiệm. Vì vậy, nhiều cán bộ có suy nghĩ thôi chịu phê bình kiểm điểm tốt hơn là làm sai phạm phải bị kỷ luật, xử lý…
“Đó là thực trạng, nếu Trung ương không có hướng dẫn thực hiện Kết luận 14 thật kỹ lưỡng, chặt chẽ thì sẽ không khuyến khích được cán bộ cống hiến, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - đồng chí Lê Văn Dũng kiến nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho rằng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị (khóa XIII) là chủ trương, quan điểm rất quan trọng trong bối cảnh tình hình đất nước và yêu cầu đổi mới, đột phá phát triển địa phương.
Kết luận có tầm chiến lược lâu dài, song chưa có hướng dẫn và cần thiết phải được thể chế hóa vào quy định pháp luật thì mới có tính khả thi cao trên thực tế. Còn chỉ hướng dẫn của các cơ quan khối Đảng để thực hiện thì cũng sẽ không giải quyết vấn đề một cách rốt ráo. Bên cạnh xử lý cán bộ sai phạm, đẩy mạnh đấu tranh với các vấn đề tiêu cực, thì cũng cần kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, tạo động lực, xung lực mới cho sự phát triển.
Kiến nghị vấn đề trên với Đoàn kiểm tra 540, theo đồng chí Lê Trí Thanh, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch quốc gia. Sắp đến các quy hoạch vùng, địa phương yêu cầu cũng phải khẩn trương làm, quy hoạch này bám sát quan điểm lãnh đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đưa ra rất nhiều vấn đề mang tính đột phá để tạo động lực phát triển, nhất là các địa phương nằm ở các vùng trọng điểm.
“Ví dụ như Quảng Nam, muốn phát triển thì phải tạo được cơ chế đặc biệt, cán bộ phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Mà đã nói như vậy, thì chắc chắn sẽ có những cái vượt qua quy định hiện nay và được Kết luận 14 của Bộ Chính trị cho phép, không trái Điều lệ Đảng và Hiến pháp. Nếu không làm thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Đây cũng là mong mỏi chung của các địa phương trong cả nước” - đồng chí Lê Trí Thanh nói.