Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Đông Giang đã có những bước chuyển mình đáng kể.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Quyết Thắng thu hoạch chè tại xã Ba, huyện Đông Giang.Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Ổn định kinh tế
Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết: “Để phát triển kinh tế địa phương, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành của huyện xây dựng những dự án cơ hội kêu gọi xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn Đông Giang có 38 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký 63 tỷ đồng, cùng gần 150 hộ kinh doanh cá thể”. Là một đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Đông Giang, Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Quyết Thắng (Công ty Quyết Thắng) đang giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 111 lao động địa phương bằng cách giao khoán cho họ chăm sóc, thu hoạch 325ha chè. Chị Phạm Thị Huệ (thôn 3, xã Ba, Đông Giang) chia sẻ: “Tôi nhận 3ha chè của Công ty Quyết Thắng để chăm sóc và khai thác. Năm 2012 tôi thu hoạch chè và bán cho công ty được tổng số tiền 102 triệu đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2013, tiền bán chè được gần 41,5 triệu đồng. Ở khu vực miền núi, đây là nguồn thu nhập lớn cho người dân như tôi”. Ông Đặng Ngọc Thành - Kế toán Công ty Quyết Thắng cho biết, hiện nay thu nhập bình quân của công nhân công ty ở mức gần 3,8 triệu đồng/tháng và công ty đang trồng mới thêm 3ha chè tại thôn 6 xã Ba nhằm mở rộng vùng nguyên liệu và tạo thêm việc làm mới cho người dân ở đây.
Theo ông Tiến, chính việc thu hút đầu tư đã mở ra hướng giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân của Đông Giang. Dự án trồng cao su do UBND huyện phối hợp với Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn bước đầu triển khai đã trồng được 663ha cao su tại xã Ba, xã Tư và đang giúp 276 người dân của hai xã này có công ăn việc làm với mức lương từ 1,8 - 3 triệu đồng/tháng. Hay việc một số doanh nghiệp liên kết với bà con xã Ba xây dựng mô hình nuôi heo theo hướng công nghiệp với quy mô khoảng 1.000 con đang mở ra hướng thu nhập ổn định trong tương lai.
Chú trọng nhân lực
“Là địa bàn miền núi, gần như Đông Giang không có lợi thế về nguồn nhân lực, trong khi đó, “chất lượng nguồn nhân lực” được Huyện ủy xác định là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Chính vì vậy, thời gian qua chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để tạo “cú hích” đột phá” - ông Nguyễn Đức Tiến chia sẻ. Nhờ đó, ở cấp huyện có 183 cán bộ công chức, viên chức thì đến nay đã có 156 người trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Còn cấp xã, tổng số cán bộ công chức và không chuyên trách là 436 người, trong đó cán bộ đạt 3 chuẩn chiếm 30%. Cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đông Giang luôn quan tâm khâu rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm ở 2 cấp huyện và xã đảm bảo về quy trình, dân chủ, công khai và đạt hệ số theo quy định Hướng dẫn số 10-HD/TCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Để có nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng công tác quy hoạch, thời gian qua, Đông Giang đã cử 2 cán bộ công chức đi học thạc sĩ, 46 cán bộ đi đào tạo đại học và 15 cán bộ học trung cấp. Ông Phan Văn Vĩnh - cán bộ tuyên giáo thị trấn Prao nói: “Chính việc nâng cao trình độ chuyên môn đã rất hữu ích trong việc xử lý công việc. Trước khi học lên đại học hệ vừa học vừa làm, nhiều lúc do chuyên môn hạn chế khiến bản thân tôi làm việc không đạt hiệu quả như mong đợi. Bây giờ thì tôi luôn hoàn thành tốt công việc cấp trên giao”.
Phát triển hạ tầng
Bên cạnh yếu tố con người, Đông Giang đang dần thay đổi diện mạo khi chú trọng đến việc phát triển hạ tầng. Xác định “phát triển hạ tầng là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” nên Đông Giang tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh. Từ năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đông Giang đã đầu tư xây dựng các tuyến đường Za Hung - A Rooi, Za Hung - Jơ Ngây, Kà Dăng - Mà Cooih, các tuyến giao thông nội thị ở thị trấn Prao và thị tứ Sông Vàng… với tổng chiều dài 60,9km, tổng kinh phí 336 tỷ đồng. “Ngoài các tuyến đường chính, hiện nay có đến 88 (trong tổng số 95) thôn trên địa bàn huyện có đường bê tông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và phát triển kinh tế.
Cùng với hệ thống giao thông, mạng lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng được quan tâm xây dựng với 7 công trình, hình thành nên 8,1km đường dây hạ thế, 1,6km đường dây trung thế và 3 trạm biến áp nên 94 thôn đã có lưới điện quốc gia và 7 trung tâm xã, thị trấn có điện đường chiếu sáng” - ông Tiến cho biết. Cũng theo ông Tiến, đến nay 100% số thôn trên địa bàn huyện có công trình nước sinh hoạt. Riêng 3 năm qua, huyện đã xây dựng, sửa chữa 25 công trình nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo phục vụ cho gần 2.400 hộ dân. Ngoài ra, các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế… đều được đầu tư, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân.
ĐOÀN ĐẠO