Cây dừa nước đã cho Cẩm Thanh (TP.Hội An) cái nghề độc: làm nhà dừa nước. Mái lá ấy đang song hành bên những hàng ngói âm dương của những ngôi nhà cổ Hội An, làm đẹp vùng đất này. Cây dừa nước cũng góp phần cho hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cẩm Thanh trở nên gần hơn.
Phát triển du lịch tạo nguồn thu cho người dân. TRONG ẢNH: Người dân Cẩm Thanh phục vụ du khách tham quan rừng dừa nước. Ảnh: MINH HẢI |
Cuối năm 2015 xã Cẩm Thanh mới hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu để được công nhận về đích NTM, tuy nhiên đến vùng đất này mỗi người đều phải công nhận: Cẩm Thanh đẹp và thanh bình đến kỳ lạ. Vùng đất khó bao đời nay cựa mình trở thành một đặc sản du lịch ở quần thể du lịch Hội An - đặc sản từ những điều đơn sơ nhất: cây dừa nước trong vùng nước mặn ngọt, từ nghề nông nhọc nhằn; cả từ sự yên ả của làng quê đặc trưng được lưu giữ lại với những thay đổi về chất từ trong lòng.
Nghề độc từ cây dừa nước
Xét về khía cạnh nông nghiệp, xã Cẩm Thanh rất khó phát triển, đất nông nghiệp ít, cằn cỗi, cả ba phía của xã đều bị bao bọc bởi nước lợ… Đến nước sinh hoạt ngày xưa dân Cẩm Thanh còn thiếu phải vượt sông lấy nước về dùng. Ngư nghiệp làm nghề độc, được mất song hành, mỗi mùa biển động khu dân cư sống bằng nghề biển lại lao đao, không ít năm Nhà nước phải cứu đói.
Đánh giá về sự chuyển đổi thành công từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ, ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Để phát triển du lịch rộng rãi trong cộng đồng, trước hết phải làm thay đổi nhận thức của người dân, trong đó khuyến khích mỗi người dân giữ chất “nông dân” nhưng cũng phải hạn chế tối đa lối tính toán kiểu “nông dân”, vì những lợi ích ngắn hạn. Mỗi người, mỗi gia đình phải có ý thức rất cao trong gìn giữ môi trường, cả môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội. Đặc biệt phải xây dựng được văn hóa giao tiếp trong cộng đồng và cả ứng xử hào hiệp với người ở nơi khác đến” . |
Vùng đất nửa nổi nửa chìm ấy có một thứ “lạ”: rừng dừa nước Bảy Mẫu rộng hơn 100ha. Cũng từ khu rừng này Cẩm Thanh có cái nghề làm nhà bằng lá dừa nước. Nhà dừa nước không lạ, nhất là các tỉnh phía Nam, như cái nhà vách đất của nông dân đất Bắc, nhưng ở Cẩm Thanh trở thành một nghệ thuật. Nói như một nông dân cao tuổi ở Cẩm Thanh: “Dân đây nghèo nhưng kỹ”. Kỹ từ khâu đốn lá dừa, phải đúng kỳ, đúng tháng để lá đủ tuổi, đủ chắc, ít mối mọt…, đến ngâm phơi, xếp, chuốt… khâu nào cũng tỉ mẩn, công phu đến thành nghệ thuật. Ngôi nhà lá Cẩm Thanh có thể “thọ” đến 15 năm, càng ở càng “lên nước”.
Ngôi nhà dừa nước “đông ấm, hè mát” của Cẩm Thanh đã vượt ra khỏi vùng Hội An để đi khắp miền Trung, vào cả miền Nam nơi bạt ngàn dừa nước. Ông Trần Bừa (thôn Thanh Tam Đông) năm nay 78 tuổi cũng có đến gần 70 năm theo nghề làm nhà dừa nước. Ông kể, làm nghề này bây giờ không bao giờ hết việc, chỉ hết vì… hết nguyên liệu. Có năm cơ sở của gia đình ông Bừa làm đến 30 ngôi nhà, trải dài từ Huế đến TP.Hồ Chí Minh, ngày công thợ từ 200 đến 300 nghìn đồng/người tùy theo cự ly xa hay gần. Riêng thôn Tam Thanh Đông nghề làm nhà cũng thu hút khoảng 200 lao động. Mỗi năm thu nhập từ nghề này mang về cho dân nơi đây khoảng 10 tỷ đồng.
Cây dừa nước cùng những ngôi nhà làm từ nó thực sự là “cốt lõi” để mỗi thôn xóm ở Cẩm Thanh có thể xây dựng thành làng sinh thái đặc thù không chỉ ở Hội An mà còn với cả nước. Rừng dừa nước không chỉ mang lại thu nhập trực tiếp mà còn “bán” được bằng cảnh quan mà nó mang lại. Mỗi ngày riêng khu rừng dừa nước có khoảng 200 du khách viếng thăm. Số tiền thu được qua việc “bán mà không mất” này cũng không kém số tiền thu trực tiếp từ làm nhà lá dừa…
Chia sẻ nguồn lợi du lịch
Một trong những thành công căn bản của việc phát triển kinh tế bền vững, xây dựng NTM ở Cẩm Thanh là chia sẻ nguồn thu từ du lịch cho người dân. Địa phương chủ trương không phát triển các cơ sở du lịch lớn, khuyến khích mọi người dân đầu tư các công trình dịch vụ du lịch nhỏ và vừa tại mỗi gia đình. Động viên, hỗ trợ cho lao động trong xã, đặc biệt là các hộ nghèo được tham gia các dịch vụ du lịch. Chủ trương này lan tỏa đến từng gia đình. Ở điểm du lịch làm ruộng của gia đình ông Phạm Nhì (thôn Thanh Nhứt), chúng tôi gặp vợ chồng ông đang hướng dẫn khách làm ruộng, còn trâu thì… thuê của gia đình khác. Hỏi ông sao không nuôi trâu để “bao” trọn gói dịch vụ, ông cười nói: “Vợ chồng tôi chỉ làm một công đoạn cũng đủ ăn rồi, việc kia phải để cho người khác cùng kiếm lợi”. Về phát triển du lịch, Cẩm Thanh cũng là nơi gây “ngạc nhiên” khi đưa vào hoạt động dịch vụ “làm ruộng với nông dân xứ Quảng” để du khách được cày, bừa, cấy, hái, giã gạo từ cối đá lấy gạo nấu cơm, xay bột nước làm bánh… rất hút khách, mang lại cho người dân nơi đây không chỉ tiền mà còn cả niềm tự hào về nghề chân lấm tay bùn.
Một điển hình cho việc sử dụng lao động địa phương làm dịch vụ du lịch là đội phụ nữ chèo thúng hơn 100 người đưa du khách thăm rừng dừa nước. Những phụ nữ này phần lớn thuộc các gia đình ngư dân, đàn ông đi biển, trước đây kiếm việc làm không dễ, nay được vay tiền sắm thúng tổ chức đưa du khách. Chị Nguyễn Thị Sáy ở thôn Vạn Lăng cho biết mỗi ngày mình thu nhập bình quân 150 nghìn đồng. Nhóm hơn trăm hộ làm ngư nghiệp nhờ chủ trương này mà xóa được cảnh thiếu đói khi mất mùa cá, kinh tế đi lên, xã cũng giải quyết được nhóm “cầm đèn đỏ” về mọi phương diện.
Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, địa phương xác định dịch vụ du lịch bền vững là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế chung. Để thực sự bền vững thì mỗi người dân đều được hưởng lợi từ hoạt động này. “Chúng tôi không đồng ý cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở du lịch lớn, động viên các gia đình có vườn rộng hơn 1.000m2 làm các khu dịch vụ nhỏ, kết hợp cải tạo cảnh quan thôn xóm. Tạo mọi điều kiện cho mỗi người dân có thể tham gia làm du lịch. Hiện tại số lao động ở Cẩm Thanh tham gia làm dịch vụ du lịch lên đến hơn 2 ngàn người, là lực lượng quan trọng nhất “mang tiền” về, tạo thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm” - ông Thanh nói.
ĐỨC THẢO