Đưa nước về trường

ĐÌNH HIỆP 22/12/2017 14:13

1. Để có nước sinh hoạt cho học sinh bán trú, 30 thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) tự kéo 2.500m ống nhựa để đưa nguồn nước về từ thượng nguồn con suối Agrồng về.

Thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ch’Ơm sửa chữa nước sinh hoạt trên đỉnh núi Ch’Ơm. Ảnh: Đ.H
Thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ch’Ơm sửa chữa nước sinh hoạt trên đỉnh núi Ch’Ơm. Ảnh: Đ.H

Cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi sau những ngày đứng trên mục giảng, các thầy cô nơi đây cùng học trò mình trèo đèo, lội suối, khảo sát, tìm nguồn nước sạch, rồi tự mình gùi, kéo những đoạn ống nhựa (các cỡ phi 90, 60, 40) lên thượng nguồn để dẫn nước về trường trong cái lạnh tái tê dưới dưới 10 độ C ở vùng cao Tây Giang. Vượt qua 3km đường rừng trơn trượt, muỗi, vắt bám theo, các thầy cô phải tự trang bị cho mình dép rọ, gậy chống trợt, áo đi mưa. Mỗi người phải kéo ít nhất 100m ống nhựa lên đầu nguồn con suối. Cô giáo Hồ Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng cho biết, mưa lớn trong đợt bão số 12 đã cuốn trôi toàn bộ hệ thống nước sạch ở đây, gần nửa tháng  nay, học sinh không có nước sinh hoạt. “Nhờ huyện quan tâm hỗ trợ 2.500m ống, nếu không, nhà trường chẳng biết lấy gì dẫn nước về trường” - cô Tâm nói.

Những ống nước dài cả trăm mét lần lượt được kéo dọc theo con suối. Trời lạnh như cắt da cắt thịt nhưng các thầy cô vẫn quyết tâm làm. Thầy giáo Nguyễn Tân Tiến - “chỉ huy trưởng” công trình cho biết, để tìm được nguồn nước, mình cùng với các em học sinh ở đây đi khảo sát mấy ngày liền. Khi tìm được nguồn nước sạch, thầy trò bắt đầu gùi xi măng, cát lên, lật đá, chặt cây đóng cọc ngăn đập. Khâu ghép nối các đoạn ống nhựa lại với nhau, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm làm việc này nên thầy Tiến thực hiện không khó. “Lắp ống nhựa phi 90 đặt ở thượng nguồn trước, khoảng 500m thì nối tiếp ống phi 60 và cuối cùng là phi 40” – thầy Tiến bảo. Sau hai ngày làm việc cật lực dưới cái lạnh tê tái, công trình cũng hoàn thành. Nước sạch được dẫn về tận trường là niềm hân hoan của cả thầy và trò sau những ngày gian nan, vất vả. “Dạy học vùng cao là thế đó, vất vả lắm, đâu chỉ dạy chữ không, mà còn lo cho các em cho từng bữa ăn, giấc ngủ, rồi nuôi thêm con gà, con heo cải thiện bữa ăn. Có hôm học sinh đau, cha mẹ ở xa chưa tới kịp chăm sóc, giáo viên chủ nhiệm phải thức cả đêm ở bệnh viện để chăm lo” - thầy Tiến tâm sự.

2. Cách đây một năm, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ch’Ơm được Quận ủy Hải Châu (TP.Đà Nẵng) hỗ trợ gần 3.000m ống nước. Thầy cô ở dây đi vận động dân quân xã Ch’Ơm, Ga Ry tham gia làm công trình nước tự chảy. Hai tháng ròng băng rừng lội suối, đắp đập ngăn nước, 2.900m ống nước được kéo lên tận đỉnh núi Ch’Ơm để lấy nước dẫn về trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và thầy cô giáo trong sinh hoạt”. Có nước, nhưng lại thiếu bể chứa để dự trữ, các thầy lại kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mua gạch, xi măng, cát để xây bể chứa nước. Tình trạng học sinh đi học gùi theo nước sinh hoạt đã không còn nữa.

Cơn bão số 12 vừa qua đã gây ra mưa lớn, một số hệ thống nước ở đây hư hỏng, các thầy lại phải “lên đường” đi sửa chữa. Thầy Nguyễn Đông Vũ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc sửa chữa cũng vất vả lắm. Từ chân núi lên đến đầu nguồn phải cuốc bộ mệt bở hơi tai, cả người “bốc khói”. Vắt rừng, rồi ruồi vằng cứ thế bu vào chích đốt. Thầy Vũ nói đùa rằng, làm thầy vùng cao “sướng rứa” đó anh, lạnh tê tái nhưng gặp sự cố về nguồn nước, phải leo núi kiểm tra, sửa chữa. Nếu trễ hai ba ngày là học sinh bị đói vì không có nước nấu cơm, sinh hoạt ăn, uống. “Giáo viên miền núi là thế đó. Việc gì có thể làm được thì họ tự làm, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của cấp trên. Họ làm việc vì tình cảm, lòng yêu nghề mến trẻ, đôi khi hy sinh thời gian dành cho gia đình, vợ con...” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang nhận xét.

ĐÌNH HIỆP

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa nước về trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO