Cuộc đua để giải quyết triệt để các vấn đề hạn chế tồn tại ở Quảng Nam dự báo sẽ còn mất thời gian dài.
Có chuyện sẽ là “dục tốc bất đạt” nên phải làm từng bước theo quy định, quy trình, gỡ từng nút thắt.
Có vấn đề trước mắt phải xử lý, những bức xúc phải giải tỏa, những “điểm nóng” phải tháo ngòi…
Vậy thì thứ tự, trình tự ưu tiên cần phải tính toán qua từng chặng như thế nào?
Thông cáo phát đi từ Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 vừa qua, đã nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong quý II/2024. Độc giả quan tâm có thể đọc đầy đủ trên bản điện tử của Báo Quảng Nam. Ở đây, chỉ góp bàn hai chuyện vừa cần kíp, vừa lâu dài cho sự phát triển của tỉnh.
Là kiện toàn bộ máy cán bộ và định hướng điều hành tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế.
Công tác cán bộ, như báo chí loan tin rộng rãi, minh bạch những việc phải tiến hành như xử lý kỷ luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư… trong đó, đã miễn nhiệm một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, còn khá nhiều trường hợp phải làm rõ khuyết điểm và có hình thức xử lý theo quy định thì cũng phải mất một thời gian nữa mới ngã ngũ.
Trong cuộc giao ban báo chí quý I/2024 tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, đây cũng là vấn đề nhiều nhà báo quan tâm, khi dòng “tin nhân sự” thu hút sự chú ý của dư luận.
Do vậy, việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ về sự thay đổi, điều chuyển, bố trí nhân sự, thậm chí là cần thông tin rõ hình thức xử lý đối với ai sai phạm, khuyết điểm, cũng là cách để dư luận tường minh.
Điều đó cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh trên lộ trình “kiện toàn” bộ máy cán bộ với quan điểm không né tránh, có sai thì sửa, có phạm thì xử, nhưng phải “xốc lại” ý thức trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển chung.
Chuyện “nóng” tiếp theo là bắt tay tháo gỡ cho được những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhận diện đã rõ là bức tranh Quảng Nam còn nhiều màu xám.
Trong đó, đáng kể là chỉ số kinh tế tăng trưởng âm (giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước); công nghiệp giảm 9,8%. Nhiều công trình trọng điểm ách tắc giải phóng mặt bằng; vốn đầu tư công giải ngân chậm so với kế hoạch; vốn các chương trình mục tiêu mà tiêu không hết phải chuyển nguồn từ 2022 đến nay; nhiều xã không giữ được tiêu chí nông thôn mới...
Kinh tế suy thoái nên ảnh hưởng chung, nhưng cần thấy bức xúc là doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc chưa được tháo gỡ hiệu quả.
Tỉnh ủy đã yêu cầu các sở, ban ngành liên quan nắm bắt các nhóm vấn đề do doanh nghiệp đề đạt để phân tích và có giải pháp cụ thể, như chuyện tháo gỡ vướng mắc đối với nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản hay xây dựng.
Có những cái “gai” gây nhức nhối cũng cần xử lý rốt ráo, như có dự án bất động sản đã đưa ra tòa án phân xử mà vẫn chưa giải quyết xong (mà Bách Đạt An là ví dụ nổi cộm). Có chuyện đầu tư công trình cầu, đường, nhiều năm vướng vài hộ dân vẫn không thông tuyến được.
Có nghịch lý khi không thiếu mỏ mà vật liệu đất cát cho các công trình trọng điểm lại đội giá quá cao; bên cạnh đó là giá thuê đất quá cao nên không ai muốn vào đầu tư ở các khu, cụm công nghiệp…
Những vấn đề đó, cái nào cũng cần giải pháp cụ thể, sâu sát thì mới mong khắc phục tình trạng “bất động hóa nguồn lực”, đặc biệt là xóa những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận nguồn lực để đầu tư.
Đua qua từng chặng, là làm cái gì hẳn ra cái nấy, có lộ trình và giải pháp cụ thể chứ không thể để dây dưa, nói nhiều mà làm quá ít. Như vậy mới chữa được “bệnh sợ trách nhiệm” đẻ ra chuyện né tránh, đùn đẩy làm bộ máy vận hành trục trặc và gây tắc nghẽn kinh tế - xã hội.