Đưa thổ cẩm vào trường học

TẤN VỊNH 19/12/2019 14:06

Thổ cẩm và trang phục là “bức khảm” của văn hóa, chứa đựng trong đó cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc. Phụ nữ các dân tộc thiểu số suốt đời gắn bó với nghề dệt, sáng tạo ra những bộ trang phục với kiểu dáng, hoa văn, sắc màu đặc trưng làm đẹp cho chính mình và chồng con. Đặc biệt, bộ trang phục cho con trẻ được gia công nhiều hơn, nhất là trang phục lễ hội.

Đồng phục thổ cẩm trong lớp học vùng cao. Ảnh: T.VỊNH
Đồng phục thổ cẩm trong lớp học vùng cao. Ảnh: T.VỊNH

Nét đẹp trang phục trẻ em

Trang phục truyền thống của trẻ em các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là bộ váy, áo dành cho nữ; khố, áo dành cho nam. Đó chính là bộ trang phục của người lớn thu nhỏ, không cầu kỳ như các dân tộc miền núi phía Bắc. Các bé gái mặc áo và chiếc váy tấm, khi mặc thì quấn lại; các bé trai mặc áo được cắt may hoặc choàng quấn đơn giản và đóng khố. Chiếc váy của các bé gái được dệt nhiều hoa văn, phối màu đẹp mắt, tiêu biểu là chiếc váy của dân tộc Xtiêng, M’nông, Mạ, Kơ Ho, Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng, Xê Đăng...

Các bé trai người dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên như Gia Rai, M’nông, Cơ Tu, Xê Đăng... có “chiếc áo choàng quấn” độc đáo. Nó là tấm vải thổ cẩm được xếp thành ba lớp theo chiều dài, sau đó choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên hai vai  rồi nhét sau lưng là thành chiếc áo choàng quấn hình chữ X. Tấm áo này được mặc khi đi dự lễ hội ở làng. Các bé trai dân tộc Cơ Tu tham gia nhảy múa trong lễ hội thường mặc tấm áo choàng từ lưng xuống vai, từ vai xuống bụng và chiếc khố hoa. Trẻ em dân tộc Ê Đê mặc chiếc khố trang trí mô típ hoa văn kteh m’ngar lung linh sắc màu ở đuôi khố cùng với chiếc áo có mảng màu nóng đỏ rực trước ngực mang biểu tượng “Đại bàng dang cánh”.

Nghề dệt của đồng bào các dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên đang bị mai một, thất truyền. Việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống không còn phố biến, chỉ thấy xuất hiện trong các lễ hội, sắc màu văn hóa thổ cẩm đang bị mờ nhạt dần theo thời gian. Trang phục truyền thống dành cho trẻ em, thiếu nữ, thanh niên bị mai một nhanh hơn vì nhiều lý do, trong đó một phần vì thói quen, sở thích, ý thức, quan niệm thẩm mỹ có sự thay đổi so với những lớp người lớn tuổi. Lớp trẻ tỏ ra tự ti mặc cảm, sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu...

Đưa thổ cẩm vào trường học

Trước nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, đầu năm 2019, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 51 tỷ đồng và ngân sách đối ứng từ các địa phương gần 171 tỷ đồng. Đề án hướng tới việc đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống; phấn đấu 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ hội...

Các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã quan tâm đến trang phục truyền thống cho học sinh phổ thông các cấp, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú. Đây là việc làm ý nghĩa vì quy định mặc trang phục truyền thống ở trường học nhằm mục đích cho giới trẻ hiểu (nhận thức được các giá trị văn hóa độc đáo của trang phục) và yêu thích (chuyển đổi nhận thức thị hiếu thẩm mỹ) trang phục dân tộc mình, hình thành thói quen thực hành văn hóa mặc trong cộng đồng.

Hầu hết trường học có con em đồng bào dân tộc Xê Đăng, Ba Na trên địa bàn TP.Kon Tum đã sử dụng sản phẩm thổ cẩm dân tộc như áo, váy, tấm choàng... khi đến lớp. Huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) với 95% dân số là đồng bào Co, từ năm học 2013-2014 đến nay, các em học sinh Trường THPT huyện đã dùng trang phục truyền thống người Co. Các trường dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Nam, vào các ngày quy định trong tuần, các nữ sinh cũng xúng xính trong váy áo, nam sinh khoác một chiếc áo thổ cẩm kiểu ghi lê với những đường viền hoa văn đặc trưng của dân tộc.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống vừa góp phần cải thiện mức sống cho bà con nhờ hoạt động du lịch vừa giữ gìn bản sắc tộc người. Để có trang phục học đường đảm bảo, phù hợp với từng địa bàn, dân tộc, chính quyền, các ngành, trường học cần hướng dẫn và đặt hàng cho bà con sản xuất, tạo mặt hàng, mẫu mã như váy áo truyền thống, áo quần, váy thổ cẩm cách tân hợp thời trang, tấm choàng, cặp đựng sách vở, túi thổ cẩm... dành cho chính con em của mình khi ở nhà cũng như lúc đến trường. Qua đó, duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tuyên truyền cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh các dân tộc thiểu số biết trân trọng sản phẩm thổ cẩm, trang phục cổ truyền, chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa thổ cẩm vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO