Một nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ra đời, có đi vào cuộc sống hay không, công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng.
Một buổi tuyên truyền Nghị quyết 12 đến với nhân dân thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang. Ảnh: D.L |
Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 của HĐND được ban hành vào tháng 7.2016. Đến tháng 10.2016 UBND tỉnh có Quyết định số 3577 quy định cụ thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo lao động ngành may, nhằm cung ứng lao động cho các dự án, chương trình trọng điểm và các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh. Cơ chế chính sách được ban hành với nhiều ưu ái vượt trội dành cho người học nghề. Từ tiền ăn ở, đi lại, đào tạo đều được miễn phí 100%, được giới thiệu việc làm tận nơi. Lao động chỉ việc thực hiện cam kết đi học và đi làm là họ đã có được một cái nghề trong tay để lập nghiệp. Nghe qua, tưởng chừng khá đơn giản, nhưng để thực hiện là cả một hành trình cam go.
Về với đồng bào ở thôn Aró (xã Lăng, huyện Tây Giang), hỏi đồng bào về chính sách đào tạo nghề, hầu như mọi người đều biết. Bởi chính sách đã được Phòng LĐ-TB&XH huyện cùng với chính quyền xã tuyên truyền đến tận thôn, khu dân cư. Ông Bríu Diệu - Trưởng thôn Aró cho hay, người dân Aró sống quần tụ nên việc tuyên truyền chính sách khá thuận lợi. Chỉ cần một buổi sáng, đi vòng quanh thôn là đã đến được tất cả nhà dân. Lúc họp thôn, ông Diệu cũng lồng ghép tuyên truyền về chính sách học nghề, nên người dân trong thôn đều biết. “Vấn đề là tuyên truyền, vận động làm sao để người dân đi học nghề, đi làm. Chứ họ biết mà họ không đăng ký đi học, đi làm thì cũng như không. Ở huyện, xã quán triệt là phải vận động cho được thanh niên trong độ tuổi đi học, nên cán bộ thôn như tôi cũng phải kiên trì bám dân, giải thích, vận động để người dân tin vào chính sách của Nhà nước yên tâm đi học” - ông Diệu cho hay.
Ở huyện vùng cao Phước Sơn, ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nghị quyết 12 và Quyết định 3577 là một chủ trương hết sức phù hợp hiện nay, tạo điều kiện giúp thanh niên giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo. Để nghị quyết đi vào đời sống, huyện cùng với cơ sở đào tạo nghề đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, vận động, đối thoại trực tiếp với người lao động ở các xã. Rồi cán bộ xã, thôn có trách nhiệm tuyên truyền chính sách đến từng người dân, giúp họ nắm bắt thông tin, lợi ích từ chủ trương để đăng ký theo học. Qua nhiều buổi tuyên truyền như thế, Phước Sơn đã mở được 2 lớp đào tạo nghề may với khoảng 80 lao động theo học”.
Bà Hồ Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Năng chia sẻ, để có được một lao động đi học nghề là sự cố gắng rất lớn của chính quyền xã, thôn và cả người lao động. Sau khi vận động, tuyên truyền, người lao động chịu đăng ký đi học nghề, cán bộ thôn được phân công bám sát lao động để ổn định tư tưởng trước khi đưa họ đi học tập trung. Lúc lao động rời làng, xã phải bố trí hẳn một Phó Chủ tịch UBND xã đi cùng lao động đến nhà máy để tìm hiểu về công việc họ sẽ làm sau khi học mà có lựa chọn đúng đắn. Đến khi lao động về trường học nghề, lãnh đạo xã cùng nhà trường làm công tác tư tưởng thêm một lần nữa trước khi đi vào khai giảng khóa học. Sau khai giảng, lãnh đạo xã phải gặp lao động một lần nữa, động viên và khuyến khích họ cố gắng học nghề… Năm lần bảy lượt làm công tác tư tưởng như thế mới bắt đầu vào một khóa đào tạo nghề. Vậy đó, để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, không phải chỉ đơn giản tuyên truyền để người dân nắm nội dung là xong.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, ngoài sự vào cuộc của các địa phương, cơ sở đào tạo nghề, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nghị quyết 12 vào cuộc sống. Báo chí đã đồng hành từ những ngày chính sách mới chỉ là dự thảo, đưa ra lấy ý kiến địa phương và doanh nghiệp. Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đã bám sát các hoạt động, đưa tin, viết bài kịp thời. Khi chính sách ban hành, báo chí cũng đã kịp thời tuyên truyền, phân tích để người dân hiểu sâu hơn nội dung, lợi ích của chính sách. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các gương điển hình đi học nghề có việc làm, tạo thu nhập, được báo chí thông tin rộng rãi. Chính những thông tin đó đã tác động rất lớn vào ý thức của người lao động, thêm động lực để họ hưởng ứng tham gia.
LÊ DIỄM