Đưa thủy sản trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp: Giải pháp nào cho sự bền vững?

VIỆT NGUYỄN 29/09/2020 07:52

Thủy sản đang trở thành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thủy sản. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để thủy sản phát triển bền vững theo định hướng của tỉnh.

Nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ.
Nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ.

Cần hiện đại hơn

Theo Cục Thống kê Quảng Nam, kết quả cơ cấu ngành thủy sản trong nội bộ ngành nông - lâm - thủy sản tăng dần qua các năm. Tính chung trong 5 năm qua (2016 - 2020), chuyển dịch được gần 2% tỷ trọng (từ 28,3% lên đến 30,1%). Tổng sản lượng thủy sản trong 5 năm tăng gần 5%, đạt hơn 571 nghìn tấn, gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Những kết quả trên là đáng mừng, tuy nhiên nhiều hạn chế cũng hiện rõ ở các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản và chế biến thủy - hải sản.

Trên lĩnh vực khai thác hải sản, bất cập ở chỗ tàu thuyền dưới 20CV chiếm đến 53,5%. Trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản hải sản còn thủ công, lạc hậu. Trình độ tổ chức khai thác hải sản của ngư dân kém. Trình độ lao động của ngư dân hạn chế, thủ công là chính, mức cơ giới hóa, tự động hóa thấp. Ngư dân đánh bắt theo kinh nghiệm, không đủ sức hoặc chưa chịu đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đến nay, toàn tỉnh nuôi tôm ở vùng triều ven sông chủ yếu là quảng canh, được chăng hay chớ. Hạ tầng nuôi thủy sản rất bất cập, thủy lợi sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước. Đáng nói hơn, nông hộ nuôi tôm lấy nước trực tiếp từ sông hoặc nước ngầm mà không qua ao lắng để xử lý, lọc sạch mầm bệnh. Số công trình nuôi thủy sản có đầu tư hệ thống xử lý nước thải đếm trên đầu ngón tay.

Có thể thấy, các mô hình khuyến ngư giúp ngư dân tiếp cận trình độ khoa học - kỹ thuật tiến bộ đã đem lại hiệu quả như hỗ trợ ngư dân đầu tư máy dò cá ngang, hầm bảo quản bằng vật liệu Polyurethane (PU), lắp đặt thiết bị liên lạc có gắn định vị vệ tinh GPS.

Tuy vậy, theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, để nhận rộng các mô hình trên, cộng đồng ngư dân trên địa bàn tỉnh cần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, năng động hơn. Quảng Nam cần hỗ trợ ngư dân đầu tư hầm bảo quản hải sản gắn thiết bị lạnh, máy và thiết bị sản xuất nước đá sệt, đá vảy, đá tuyết cấp đông, máy và thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ nano; cần tính đến hỗ trợ máy và thiết bị định dạng tự động AIS, ra-đa, máy, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt giúp ngư dân tăng thời gian bám biển...

Quảng Nam cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: V.N
Quảng Nam cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: V.N

Về nuôi thủy sản, nuôi tôm công nghệ cao hình thành trên địa bàn tỉnh với các mô hình của Công ty CP QNTEK, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ ở xã Bình Hải (Thăng Bình) hay mô hình của ông Trần Công Thành ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Điểm chung của các mô hình trên là kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi tôm thông qua công nghệ cho ăn tự động; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao xử lý chất thải, hầm biogas... Hệ quả là kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, rủi ro rất thấp, năng suất cao, lợi nhuận lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, áp dụng các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư lớn cho nuôi tôm quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao với nhiều ưu đãi.

Sản xuất theo chuỗi

Chất lượng hải sản ngư dân khai thác được còn thấp do bảo quản chưa đạt yêu cầu, chủ yếu là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, tổn thất sau thu hoạch lên đến 25%. Thông tin thiếu minh bạch, không kịp thời, dẫn đến ngư dân bị ép giá bán hải sản sau mỗi chuyến biển. Ở Quảng Nam, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển sơ sài, chưa đủ mạnh để phục vụ nhu cầu nghề khai thác hải sản xa bờ. Vấn đề tạo chuỗi khai thác hải sản - bảo quản - chế biến - cung ứng ra thị trường đặt ra rất cấp thiết, là điều kiện không thể khác để phát triển bền vững.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, khuyến khích ngư dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp, mua sắm phương tiện hiện đại để vừa nâng cao năng lực khai thác hải sản vừa tự thu mua các nhu yếu phẩm, vận chuyển ra biển phục vụ cho quá trình khai thác hải sản dài ngày, vận chuyển hải sản về bờ, bảo quản hải sản tốt, chế biển hải sản và phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Mô hình chưa hình thành trên địa bàn tỉnh nhưng cho thấy tính khả thi cao ở một số tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Để thực hiện điều này, ngư dân cần dám nghĩ, dám làm, nâng cao trình độ tổ chức, quản trị sản xuất, tiếp cận các cơ chế khuyến khích của tỉnh, nhất là huy động nguồn vốn lớn để sản xuất theo chiều sâu. Các doanh nghiệp có nhu cầu tạo chuỗi hải sản tại Quảng Nam luôn được tỉnh trải thảm để vào đầu tư.

Đến thời điểm này, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được kết nối theo chuỗi, giảm giá trị. Trước đây, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp thu mua tôm thương phẩm của nông hộ để chế biến xuất khẩu nhưng hoạt động nhỏ lẻ, đã không đứng được trên thương trường. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để nâng cao giá trị con tôm nói riêng, thủy sản nuôi nói chung, Quảng Nam chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn liên kết với nông hộ, tích tụ ruộng đất đầu tư nuôi tôm quy mô lớn, đồng thời xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm, nhà máy chế biến tôm nguyên liệu để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng bộ vì sự bền vững

Tổng sản lượng hải sản khai thác hằng năm của Quảng Nam luôn đạt mức hơn 90 nghìn tấn trong 5 năm qua, khá cao so với các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Đáng tiếc, phần lớn sản lượng hải sản này được ngư dân khai thác vào mùa các loài hải sản sinh sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt, khai thác không sàng lọc, hủy diệt nguồn lợi như sử dụng lưới mắt dày, chất nổ, xung điện để đánh bắt. Khai thác hải sản đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được ngành thủy sản trăn trở, áp dụng nhiều mô hình nhưng hiệu quả mang lại còn khá thấp. 

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, tàu kiểm ngư xuống cấp, nằm bờ là khó khăn rất lớn trong tuần tra, kiểm soát nạn khai thác hải sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác này, tỉnh cần nhanh chóng đầu tư tàu kiểm ngư mới, có công suất lớn hơn, vận hành tốt hơn. Các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

TS. Chu Mạnh Trinh (công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An) cho rằng, rất đáng tiếc khi các loài hải sản quý hiếm ở vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An vẫn bị ngư dân trong và ngoài tỉnh lén lút khai thác tận diệt. Trên cơ sở Chỉ thị 19 của Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác hải sản, lực lượng kiểm ngư của tỉnh cần kiện toàn lại nhân lực, đầu tư vật lực, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để chấn chỉnh vấn nạn trên.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, để không bức hại môi trường, phát triển bền vững, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, các nông hộ, doanh nghiệp nuôi thủy sản cần tiếp cận cơ chế khuyến khích của tỉnh, đầu tư sản xuất bài bản, nhất là hỗ trợ mức 200 triệu đồng để đầu tư giao thông, 120 triệu đồng để đầu tư điện, 30 triệu đồng để đầu tư nguồn nước, 150 triệu đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngoài hạ tầng, tỉnh còn hỗ trợ 150 triệu đồng về nuôi cá trong lồng bè, hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh, hỗ trợ 100 triệu đồng cho tiêu thụ thủy sản...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa thủy sản trở thành mũi nhọn của ngành nông nghiệp: Giải pháp nào cho sự bền vững?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO