Sau khi làng chài Trung Thanh (xã Tam Thanh) được khoác lên mình những bức bích họa độc đáo và trở nên nổi tiếng, trên một số tuyến đường trong lòng đô thị Tam Kỳ cũng đã xuất hiện những mảng tranh tường. Phải chăng, đây là những tín hiệu đầu tiên cho sự ra đời một “thành phố bích họa” trong tương lai?...
Khi “cơn sốt bích họa” của làng chài Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) vẫn chưa hạ nhiệt, vào đầu năm 2018, trong lòng Tam Kỳ xuất hiện một mảng tranh tường liên hoàn. Bức tường rào dài hơn 300 mét kẹp dọc giao lộ Huỳnh Thúc Kháng - Hùng Vương của Trường THCS Lý Tự Trọng đã được cán bộ, đoàn viên Thành đoàn Tam Kỳ và các tình nguyện viên là họa sĩ không chuyên “mặc” cho tấm áo mới. Đó là những bức tranh đặc tả cảnh sinh hoạt đời thường, phong cảnh quê hương, kèm theo đó là các thông điệp về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... Đây là bước khởi đầu cho việc đưa tranh tường làm mềm cho phố.
Sau công trình trên, tuổi trẻ Tam Kỳ đã thực hiện thêm 3 công trình bích họa khác ở các phường Trường Xuân, An Mỹ và An Xuân, được định danh là công trình thanh niên “Góc phố xanh”. Mới đây, tại Hòa Hương, một số cây cột điện cũng được “mặc áo mới” với những họa tiết, tranh vẽ sống động, góp phần xóa đi sự nhếch nhác do tình trạng dán quảng cáo bừa bãi gây ra... Theo anh Võ Thanh Cung - Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ, ý tưởng đưa tranh tường ra phố xuất phát từ “gợi ý” và cảm hứng từ Làng bích họa Trung Thanh, được lãnh đạo thành phố ủng hộ khi ý tưởng ấy được xem là một phần nỗ lực của tuổi trẻ trong việc góp phần xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh. “Các công trình bích họa này được chúng tôi thực hiện dưới hình thức xã hội hóa; vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở tham khảo ý kiến cộng đồng và các họa sĩ chuyên nghiệp. Công việc này sẽ được tiếp tục nhưng không có nghĩa là sẽ phủ tranh vẽ lên bất cứ đâu...” - anh Võ Thanh Cung nói thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, các công trình tranh tường trong lòng thành phố do lực lượng đoàn viên thanh niên thực hiện thời gian qua đã nhận được những phản hồi tích cực từ người dân địa phương lẫn du khách. Tuy nhiên, đến lúc này thành phố vẫn chưa có ý tưởng hay quy hoạch nào nhằm biến Tam Kỳ trở thành một “thành phố bích họa”, bởi để có thêm được những không gian bích họa đặc sắc và độc đáo như ở Trung Thanh hay những mảng tranh tường có tính sáng tạo, mới lạ, không nhàm chán, trùng lắp... là không dễ. Bà Hiền nói thêm: “Tuy nhiên, Tam Kỳ vẫn luôn ủng hộ và sẵn sàng đón nhận các ý tưởng về việc xây dựng thêm những không gian bích họa từ các tổ chức, cá nhân khác nếu các ý tưởng ấy đáp ứng được những tiêu chí cơ bản về xây dựng, phát triển Tam Kỳ trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh”.