Xã hội

Đưa trò chơi dân gian vào trường học

THIÊN THU 15/04/2025 10:15

(QNO) - Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, các trường học trong tỉnh còn chú trọng tổ chức trò chơi dân gian nhằm bảo tồn giá trị truyền thống.

Dưới ánh nắng vàng như mật, khuôn viên Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (xã Quế Lộc, Quế Sơn) tràn ngập tiếng cười khi nhà trường tổ chức ngày hội trò chơi dân gian gồm các môn như: nhảy dây, đan lát, ô ăn quan, cướp cờ, rồng rắn lên mây, nhảy sạp… với sự tham gia hào hứng của 264 đội viên, nhi đồng.

Em Đỗ Hoàng Ni Na (lớp 4C, Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ) cho biết, em rất phấn khởi khi được tham gia vào các trò chơi giải trí dân gian giúp tinh thần em thêm vui vẻ và sức khỏe tốt để học tập hiệu quả.

co.jpg
Trò chơi dân gian thu hút học sinh hào hứng tham gia. Ảnh: THIÊN THU.

Để khuyến khích học sinh tham gia sân chơi bổ ích và tạo sự gắn kết tình bạn bè, hằng năm, Trường Tiểu học Phan Thanh (TP.Tam Kỳ) đều tổ chức ngày hội trải nghiệm dân gian. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em tự tay làm sản phẩm đồ chơi bằng lá dừa, mây tre và các vật dụng thân thiện với môi trường để trang trí lớp học, tặng bố mẹ, thầy cô, bạn bè.

Cô Đặng Thị Ngãi - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh cho biết: “Hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian giúp các em xa dần các thiết bị công nghệ hiện đại, tạo môi trường học tập thân thiện và góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hoá dân gian”.

Ngày hội trải nghiệm trò chơi dân gian tại Trường Tiểu học Phan Thanh (TP. Tam Kỳ). Ảnh: Đặng Thị Ngãi.
Ngày hội trải nghiệm trò chơi dân gian tại Trường Tiểu học Phan Thanh (TP.Tam Kỳ). Ảnh: ĐẶNG NGÃI

Tùy theo cấp học, vùng miền, nhà trường sẽ lựa chọn trò chơi dân gian phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Chẳng hạn ở Trường Mẫu giáo Hương Sen (Quế Sơn), các em được nghe cô giáo hô hát bài chòi, nhảy sạp thông qua hoạt động giáo dục âm nhạc, giáo dục thể chất. Tiết học giúp các em làm quen với những bước nhảy đơn giản; điệu hò mộc mạc, dân dã, dễ thuộc và quan sát trực quan các tấm thẻ bài sinh động.

Một tiết dạy hô hát bài chòi ở Trường Mẫu giáo Hương Sen (Quế Sơn). Ảnh: THIÊN THU
Một tiết dạy hô hát bài chòi ở Trường Mẫu giáo Hương Sen (Quế Sơn). Ảnh: THIÊN THU

Cô Hà Thị Kim Thu - giáo viên Trường Mẫu giáo Hương Sen nói: “Để tăng tính hiệu quả tiết dạy hô hát bài chòi, thu hút các bé, giáo viên cần đầu tư, nghiên cứu sáng tạo trong nội dung như cải biên ca dao, tục ngữ, trang trí lớp học đến trang phục, phong cách diễn xướng”.

Thời gian gần đây, giáo viên phụ trách công tác đoàn, đội của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên tham gia khóa tập huấn kỹ năng sống qua trò chơi dân gian. Qua đó, giáo viên được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến, phù hợp với từng cấp học, đơn vị địa phương nhằm góp phần giáo dục thế hệ trẻ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa trò chơi dân gian vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO