Đưa truyền thống vào nghệ thuật đương đại

LÊ QUÂN 03/12/2023 10:30

Những hóa thân của truyền thống trong nghệ thuật đương đại ngày càng nhìn thấy nhiều hơn. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật truyền thống càng cho thấy đây là một “mỏ vàng vô giá” nếu biết cách chắt lọc, phát huy.

Nghệ thuật truyền thống được ứng dụng trong đời sống đương đại sẽ mang đến hiệu quả bảo tồn. Ảnh: L.T.K
Nghệ thuật truyền thống được ứng dụng trong đời sống đương đại sẽ mang đến hiệu quả bảo tồn. Ảnh: L.T.K

Ứng dụng chất liệu truyền thống

Mới đây nhất, vào ngày 25/11, tại cuộc tọa đàm “Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại” của Nhà hát tuồng Việt Nam, một cuộc nhìn nhận tổng quát về việc dùng chất liệu tuồng được bày biện. Từ các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu thể nghiệm, trong giao thoa ngôn ngữ đa phương tiện, cũng như là chất liệu trong thiết kế mỹ thuật, nghệ thuật tuồng trở thành hiện thân của kho tàng di sản vô giá.

Nhà nghiên cứu Chu Thu Phương - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ngày nay, tuồng đang bắt đầu “tan ra” thành nhiều yếu tố, được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn khác nhau.

“Các nhà thực hành, quản lý văn hóa cần bảo tồn tuồng gốc, đồng thời ứng dụng nhạc tuồng vào múa hiện đại, ghép múa tuồng với kịch câm, ứng dụng chất liệu tuồng trong thời trang và sản xuất đồ lưu niệm...” - bà Chu Thu Phương nói.

Các chuyên gia cho rằng, truyền thống có thể được bảo tồn và mở rộng thông qua nghệ thuật đương đại. Truyền thống được tái cấu trúc, không những đồng hiện mà còn góp phần phát triển không gian nhân văn của cộng đồng nếu được ứng dụng vào nghệ thuật đương đại.

Người ta nhìn thấy nhiều hơn những sáng tác thử nghiệm có sử dụng yếu tố truyền thống, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc. Như Nguyễn Quốc Hoàng Anh với dự án LENNGAN; trong đó, ghi dấu sâu đậm với công chúng qua tác phẩm “Sơn Hậu - Beyond the Mountain”. Nhóm tác giả đã giữ nguyên tính hình tượng của nghệ thuật tuồng cũng như lối diễn xướng truyền thống, chỉ thay đổi không gian và âm nhạc với sự xuất hiện của nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm.

Riêng với Quảng Nam, nghệ thuật tuồng nhiều năm nay được giới mỹ thuật “mượn” làm cảm hứng. Từ các họa sĩ Lê Nguyên Chính, Trương Bách Tường... cho đến nghệ nhân mượn mặt nạ tuồng để dựng nên “mặt nạ thời gian” như Bùi Quý Phong đều cho thấy những mảng miếng đầy giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Bảo tồn trong các “lớp áo”

Đề xuất tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác âm nhạc trên chất liệu dân ca bài chòi được nhiều nhạc sĩ đưa ra, ngõ hầu đưa nghệ thuật truyền thống này bắt nhịp với đời sống đương đại... Đây chính là điều nhạc sĩ Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đau đáu khi đóng góp vào đề án “Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi giai đoạn 2024 - 2030”. Ông cho rằng không thể cứ giữ mãi những câu hô thai đã nằm lòng để bài chòi chỉ dừng lại ở đó.

“Cần phải có những cuộc bảo tồn mạnh mẽ hơn và phù hợp hơn với đời sống văn hóa văn nghệ đang đổi thay từng giờ. Mỗi lớp người sẽ có một câu chuyện nghệ thuật, một cách hưởng thụ và nhìn nhận văn hóa khác nhau. Vậy làm sao để bài chòi thật sự đi sâu vào đời sống của từng thế hệ?

Điều này đòi hỏi cần phải đưa nghệ thuật truyền thống vào đời sống đương đại, bằng những ca khúc mới trên nền chất liệu cũ. Tôi nghĩ đó là cách để không chỉ bài chòi mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác sống lâu bền hơn” - ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

Đây cũng là ý hướng đề xuất bảo tồn nghệ thuật truyền thống từ nhạc sĩ Đặng Hoành Loan. Ông cho rằng, âm nhạc truyền thống không phải là âm nhạc biểu diễn mà là âm nhạc sinh hoạt. Nếu không hoạt động trong đời sống, âm nhạc truyền thống sẽ dần biến mất. Còn nếu con người tạo ra được điều kiện sinh hoạt thì sự “sống” lại của âm nhạc truyền thống cũng là lẽ đương nhiên.

Đã có rất nhiều giá trị truyền thống được chuyển tải trong những “lớp áo” khác nhau. Quảng Nam với bài chòi, sắc bùa, hát bội đã không còn bó hẹp trong phạm vi làng xóm. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào miền núi có cơ hội được khơi mở và được đông đảo công chúng tiếp nhận thông qua các sinh hoạt lễ hội truyền thống và lễ hội mới.

Với 20 câu lạc bộ tuồng và 20 câu lạc bộ dân ca, đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Quảng Nam. Không chỉ vậy, với các hoạt động sân khấu học đường, đưa bài chòi vào giảng dạy trong nhà trường, những đêm âm nhạc đường phố với thi thoảng có sự xuất hiện của các đội bài chòi đã đưa những bản sắc quê hương này đi vào tâm trí khán giả một cách tự nhiên.

Ngày càng có nhiều hơn nhạc sĩ xứ Quảng mượn âm điệu truyền thống để làm nên sản phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Cùng với mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc thể nghiệm với sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại không chỉ đóng dấu bản sắc Việt mà còn khiến mỗi sản phẩm nghệ thuật trở nên mới mẻ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa truyền thống vào nghệ thuật đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO