Đưa văn hóa bản địa vào trường học

HOÀNG YÊN 23/10/2013 08:20

Đưa trang phục truyền thống, cồng chiêng, lồng ghép chương trình học tiếng địa phương… vào trường học đã góp phần nâng cao nhận thức về giữ gìn văn hóa truyền thống trong mỗi học sinh của trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn.

Học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hàng tuần.Ảnh: HOÀNG YÊN
Học sinh mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hàng tuần.Ảnh: HOÀNG YÊN

Vào sáng thứ Hai hằng tuần, đến trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn sẽ thấy cảnh học sinh trong trường mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mơ Nông. Cách làm này nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Cứ vào đầu năm học, nhà trường sẽ may cho mỗi học sinh đầu các cấp của trường một bộ trang phục Mơ Nông truyền thống, nguồn kinh phí được nhà trường trích 5% từ Quyết định 109 của UBND tỉnh về hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là thống nhất chung giữa nhà trường và phụ huynh, được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh. Lê Thị Hà (lớp 9/1) chia sẻ: “Bố em là người Kinh, mẹ là người Mơ Nông. Trước đây em chưa hiểu hết về văn hóa của dân tộc mình, có khi mặc cảm với nhiều bạn bè trang lứa. Nhưng từ khi hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, được mặc trang phục Mơ Nông truyền thống em thấy rất tự hào”.

Ông Phan Văn Chương - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn cho biết: “Chủ trương mặc trang phục truyền thống trong trường học của học sinh trường nội trú được nhà trường thực hiện từ năm 2009. Không chỉ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, vào các ngày lễ, toàn bộ học sinh trong trường đều phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mơ Nông. Điều này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, vừa làm tốt công tác tuyên truyền theo chủ trương xây dựng đời sống văn hóa trong các thế hệ trẻ”. Ông Chương còn cho biết, để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, ngoài việc mặc trang phục truyền thống, trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn còn có nhiều hoạt động mang đặc trưng của dân tộc địa phương. Đó là việc đưa cồng chiêng vào trường học và mời nghệ nhân dạy cho học sinh đánh cồng chiêng. Tổ chức tết mùa cho học sinh với nhiều hoạt động mang tính cộng đồng và được duy trì hằng năm. Ngoài ra, trong các buổi học chính khóa, nhà trường còn lồng ghép chương trình giảng dạy văn hóa địa phương. Theo đó, các giáo viên tự tìm tòi, nghiên cứu vận dụng ngôn ngữ địa phương để kết hợp giảng dạy các em. Cô Trần Thị Tỵ - giáo viên dạy Văn cấp 2 của trường chia sẻ: “Mỗi tiết học, các em rất thích vì được học văn hóa địa phương, dân tộc mình mình,  nhất là những buổi học nói về ca dao, tục ngữ, các tập tục của người địa phương. Từ đó các em có ý thức rõ hơn, thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa văn hóa bản địa vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO