Đưa văn hóa Cơ Tu xuống phố

VĨNH LỘC - THU PHÚC 12/06/2017 08:26

Lần đầu tiên trong Festival Di sản, một lễ hội văn hóa Cơ Tu đã được tổ chức tại Đô thị cổ Hội An mang đến những bất giờ thú vị cho người dân và du khách về những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào miền Tây xứ Quảng.

Rộn ràng Đêm hội Cơ Tu

Hơn 30 nghệ sĩ dân gian Cơ Tu đến từ huyện miền núi Nam Giang đã thật sự khuấy động không gian phố Hội trong buổi chiều 9.6 vừa qua, với điệu múa tâng tung da dá đầy sôi động. Tại Vườn tượng An Hội và trên những cung đường phố cổ đoàn đi qua, tiếng trống chiêng rộn rã, tưng bừng như thôi thúc, lôi cuốn du khách cùng hòa mình vào vũ điệu dâng trời. Với những “nghệ sĩ” Cơ Tu, việc được nhiều du khách quan tâm hưởng ứng các giá trị văn hóa của dân tộc là một niềm vui và sự khích lệ lớn lao nên ai cũng “cháy” hết mình. Anh Pơloong Phước (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang), người đánh trống và thổi a xăng trong đêm hội chia sẻ: “Đêm văn hóa Cơ Tu là cơ hội quý để nhiều người biết đến văn hóa đồng bào, nhất là những điệu múa tâng tung da dá. Mình rất vui và tự hào về điều đó” - Pơloong Phước nói. Trong Đêm hội Cơ Tu, ngoài biểu diễn các vũ điệu âm nhạc, phụ nữ Cơ Tu cũng trình diễn cách dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt, chương trình cũng giới thiệu đến người dân và du khách những sản phẩm nông sản đặc trưng của núi rừng như tiêu, ớt, đậu, gạo, mật ong rừng… thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của người dân và du khách.  

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Các nghệ sĩ Cơ Tu trình diễn vũ điệu tâng tung da dá trên đường phố Hội An.
Các nghệ sĩ Cơ Tu trình diễn vũ điệu tâng tung da dá trên đường phố Hội An.

Bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, Đêm văn hóa Cơ Tu tại Hội An ra đời xuất phát từ ý tưởng của nhiếp ảnh gia Réhahn (Pháp) muốn giới thiệu đến du khách, kể cả người dân Hội An về người Cơ Tu và những nét đẹp văn hóa của dân tộc này. Qua đó, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Quảng Nam như là một vùng đất đa dạng sắc thái văn hóa, nơi không chỉ có Mỹ Sơn hay Hội An mà còn nhiều điều thú vị khác và đồng bào Cơ Tu là một trong số đó. Chính vì vậy, trung tâm đã thống nhất, phối hợp với nhiếp ảnh gia Réhahn và Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR) tổ chức sự kiện từ ý tưởng Réhahn đưa ra trong dịp Festival di sản lần này. “Qua đêm hội, chúng tôi nhận thấy du khách rất hào hứng với các giá trị văn hóa của đồng bào, họ không nghĩ rằng ở Quảng Nam lại có một dân tộc với bản sắc văn hóa độc đáo như thế. Vì vậy, lễ hội mang lại hiệu quả và hiệu ứng rất cao, nhất là việc quảng bá du lịch các huyện miền núi phía tây của tỉnh sau này” - bà Hiền cho biết.  

Giá trị văn hóa độc đáo

Dù mới chỉ là khởi đầu, nhưng thành công của “Đêm văn hóa Cơ Tu” đã tạo nhiều hứng khởi cho nhiếp ảnh gia Réhahn và các bên liên quan như Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam; TP.Hội An xây dựng kế hoạch tiếp theo cho đêm hội vào những ngày rằm hằng tháng với sự tham gia của cộng đồng Cơ Tu sống tại 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Đây được xem là một sản phẩm du lịch mới mẻ và đầy hấp dẫn tại Hội An cũng như các huyện miền núi phía tây Quảng Nam thời gian tới.

Với quan điểm “Bảo tồn văn hóa phải được tác động từ bên ngoài, khi đồng bào nhìn thấy văn hóa của mình được mọi người quan tâm yêu thích, họ sẽ càng cố gắng để giữ gìn”. Nhiếp ảnh gia Réhahn, người nổi tiếng với những bộ sưu tập ảnh và trang phục về đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có đồng bào Cơ Tu, đã hiện thực hóa “Đêm văn hóa Cơ Tu” tại Hội An từ suy nghĩ này. Réhahn bộc bạch, anh đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa của 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam và rất yêu thích dân tộc Cơ Tu. Đặc biệt, người Cơ Tu lại đang sinh sống ngay tại Quảng Nam, một tỉnh vốn nổi tiếng với các địa danh du lịch. “Vậy tại sao chúng ta không đem văn hóa của họ đến với mọi người vì rất nhiều khách nước ngoài đến Quảng Nam du lịch nhưng hoàn toàn không biết hay không nghĩ đến việc nơi đây có người dân tộc với bản sắc văn hóa độc đáo. Họ chỉ nghĩ các dân tộc thiểu số chỉ sống ở phía Bắc như Sa Pa chẳng hạn” - Réhahn đặt câu hỏi.

 Chính vì thế, Réhahn đã đưa ý tưởng thực hiện “Đêm văn hóa Cơ Tu” tại Hội An. Tại đó, người Cơ Tu sẽ trình diễn nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, biểu diễn điệu múa tâng tung da dá trong tiếng trống chiêng và diễu hành qua những con đường phố cổ. Từ đó, quảng bá, thu hút mọi người tìm hiểu các giá trị, đời sống Cơ Tu để cùng bảo tồn văn hóa đồng bào. “Thông qua các hoạt động trình diễn của người Cơ Tu, sẽ cho mọi người thấy và hiểu được rằng, ẩn sâu trong mỗi điệu múa là cả một vùng trời và sự khát vọng vươn lên, mong cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và khi du khách cảm nhận các giá trị ấy, ắt hẳn họ sẽ thiết kế cho riêng mình hành trình về miền tây xứ Quảng, với nhiều trải nghiệm độc đáo. Đây cũng là cách để thúc đẩy du lịch tại những vùng đất đồng bào Cơ Tu sinh sống phát triển” - nhiếp ảnh gia Réhahn chia sẻ.

VĨNH LỘC - THU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa văn hóa Cơ Tu xuống phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO