Dựa vào nghệ thuật truyền thống

MINH KHÔI 25/04/2020 06:19

Ngày càng nhiều nghệ sĩ lựa chọn nghệ thuật truyền thống làm bệ phóng cho sự sáng tạo của mình. Sự chọn lựa này, ở một góc độ nào đấy, cho thấy đã có những suy tư về câu chuyện bảo tồn vốn liếng quý báu của dân tộc…

Nghệ thuật truyền thống đang dần được nhìn nhận đúng vị trí của mình.Ảnh: M.K
Nghệ thuật truyền thống đang dần được nhìn nhận đúng vị trí của mình.Ảnh: M.K

Không riêng nghệ sĩ Việt Nam, những người nước ngoài làm nghệ thuật cũng đã nhận thấy sự đồng điệu giữa nền văn hóa cổ truyền của người Việt và những rung cảm từ bản thân mình…          

1. Seako Ando là một cái tên quen thuộc với giới hội họa khắp nơi. Tranh sơn mài của chị có dấu ấn riêng, phảng phất hình ảnh của đời sống Việt Nam. Đặc biệt, dùng sơn ta làm chất liệu cho tác phẩm của mình, Seako ghi dấu ấn đặc biệt với những người yêu các giá trị Việt Nam. Hơn 20 năm ở Việt Nam, hiện Seako có một xưởng tranh tại Hội An. Chị định cư tại phố cổ và ngày ngày dong ruổi khắp các vùng lân cận để tìm cảm xúc cho tác phẩm.

Phải nói thêm rằng, sơn mài là chất liệu độc đáo, riêng có của hội họa Việt Nam. Vì yêu sự tinh tế của sơn mài Việt Nam, nữ họa sĩ Nhật Bản quyết định thử sức với sơn ta. Tuy Nhật Bản có bề dày truyền thống về đồ dùng sơn mỹ nghệ, nhưng với dòng tranh nghệ thuật, tranh sơn mài của Việt Nam lại đòi hỏi sự tinh tế và kỹ thuật hơn, hiệu quả mỹ thuật cũng cao hơn.

Không tham vọng diễn tả những vẻ đẹp không tì vết, tranh sơn mài của Seako Ando chủ yếu là những cảnh sắc và chi tiết đòi hỏi độ tỉ mỉ, vẽ một điều bé nhỏ nhưng hiển lộ những giá trị sâu sắc. Như tinh thần của bài thơ Haiku riêng có của người Nhật. Phát triển nghệ thuật trên cơ sở đời sống người Việt, Seako như tìm thấy một tiếng nói, một lối đi riêng để khẳng định tuổi tên của mình.

2. Chọn Việt Nam để tiếp nối câu chuyện nghệ thuật của mình, nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã tìm thấy niềm cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt. Từng ngồi cùng cặp vợ chồng đạo diễn Síu Phạm và nghệ sĩ Jean Luc Mello khi họ còn ở Việt Nam, xem những tác phẩm họ làm ra, mới thấy văn hóa phương Đông trở nên máu thịt với những nghệ sĩ đặc biệt này.

Giật mình nhận ra, chính quá khứ tưởng đã yên sâu, chìm khuất, mất mát cùng lũy tre làng, với sự bồi lấp của rất nhiều thứ lai căng của người Việt, lại được các nghệ sĩ nước ngoài tìm thấy và khơi dậy. Họ đã thay chúng ta nói về đời sống của chúng ta. Họ tôn vinh những giá trị truyền thống của một nền văn minh lúa nước đặc trưng Á Đông.

Nhiều người hẳn còn nhớ một không gian mặt nạ tuồng của Jean Luc Mello ở Hội An. Chủ trương làm nghệ thuật của Jean Luc Mello đồng điệu với Síu Phạm - một nhà làm phim tận dụng hết những chất liệu từ văn hóa dân gian, từ đời sống bình dân của những người Việt ở các làng chài ven sông, ven biển đến những khám phá về văn hóa của các sắc tộc ở những vùng núi cao Đông Bắc, Tây Bắc…

Một vài câu chuyện để thấy những rung cảm từ văn hóa truyền thống của những người yêu giá trị cũ, đã tạo nên việc kết nối, hiển lộ những điều tốt đẹp tưởng đã qua, đã mất.

3. Với các nghệ sĩ Việt, sự quay trở lại với những tinh túy của văn hóa truyền thống từ cả họa pháp, chất liệu lẫn việc tận dụng những ý tưởng từ dân gian, đã gần như bảo chứng cho sự thành công của họ từ nhiều năm nay. Ít ra, sự lựa chọn phát triển trên nền bản sắc dân tộc, đầu tiên đã khơi gợi lại trong tâm thức khán giả những mảnh ký ức rơi rụng bởi thời gian. Những gì tốt đẹp nhất trong đời sống văn hóa Việt sẽ mất đi, nếu như không có người nỗ lực gìn giữ. Đó cũng là một cách tử tế với nghệ thuật.

Có một dự án giảng dạy mỹ thuật từ thiện Ngôi sao miền núi (Mountain Star Charity) đã thu hút nhiều nghệ sĩ đi tới vùng sâu, vùng xa, mang lại nhận thức về thẩm mỹ, cũng như giá trị của môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống bản địa cho các em nhỏ. Đồng thời qua đó quảng bá văn hóa dân tộc, “chung tay gìn giữ bản sắc Việt” như thông điệp của dự án đã mang lại hiệu ứng tích cực từ hơn 5 năm nay trên nhiều vùng của Việt Nam.

Trong những ngày này, văn hóa truyền thống lại trở thành chỗ dựa để mang đến thông điệp tích cực cho con người trong cuộc chiến chống đại dịch. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật mượn giai điệu của ca trù, của chèo, cải lương cải biên để sáng tác lời mới. Những câu chuyện thời sự dễ dàng đi vào lòng người hơn thông qua chính bản sắc của mình. Và hẳn việc dựa vào bản sắc không chỉ có riêng điều tích cực. Nhưng hãy nhìn mọi điều ở góc độ lạc quan, và xem nó như một liệu pháp dựng nên thành trì cho con người trước bao điều khó khăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dựa vào nghệ thuật truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO