“Ah no teeth”. Khi nhảy xuống con thuyền của bà cụ Bùi Thị Xong đang neo ở sông Hoài (Hội An) hồi năm 2011, nhiếp ảnh gia Réhahn đã nói vui như vậy để gợi ý cho “người mẫu ảnh” ngoài 70 tuổi thay đổi tư thế. Và đúng như vậy. “Khi tôi nói “Ah no teeth” (A, không có răng”), bà ấy đã quá nhút nhát và bắt đầu che miệng và trán”, Réhahn kể trong buổi khai trương 40 bức ảnh về phụ nữ Việt Nam tại Vườn tượng An Hội hôm 13.8. Đó là thời khắc thú vị và ông nhanh chóng bấm máy để có được tác phẩm ưng ý “Nụ cười ẩn giấu”. Giờ thì “Nụ cười ẩn giấu” đã quá nổi tiếng, được Viện Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội chọn đưa vào bộ sưu tập nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8.3 năm nay.
Những nếp nhăn trên khuôn mặt cụ Xong qua cú bấm máy của Réhahn. |
Với 2 bàn tay che kín trán và miệng, người mẫu ảnh Bùi Thị Xong chỉ để lộ đôi mắt. Hình như đôi mắt ấy đang cười, hoặc nói cách khác là nụ cười đang ẩn giấu đâu đó. Nhưng chính nụ cười bị khuất lấp kia đã tôn lên nếp nhăn: nếp nhăn xung quanh 2 quầng mắt, trên sống mũi, và trên chính đôi bàn tay. Và những nếp nhăn ấy, cùng với danh tiếng của Réhahn - người được tạp chí mạng nổi tiếng Bored Panda bình chọn top 10 nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế giới hồi năm 2014 - đã chững chạc bước vào... bảo tàng.
Những nếp nhăn nơi khuôn mặt cụ Xong không “in hằn” một cách ngẫu nhiên trên tác phẩm của Réhahn. Hãy nghe ông chia sẻ kinh nghiệm sáng tác: “Trong công việc của mình, tôi có cơ hội để gặp gỡ những người khác nhau. Tôi tin rằng mỗi người đều có một câu chuyện để kể. Câu chuyện có thể được kể qua những vết nhăn trên khuôn mặt họ hoặc qua đôi tay già nua. Nếu chúng ta dành nhiều thời gian trò chuyện với họ, chúng ta sẽ đến gần hơn với cuộc sống của họ. Đó là lý do tại sao tôi luôn luôn dành từ 4 ngày đến 15 ngày để xem, cảm nhận và chụp hình ở một nơi”. Như một cơ duyên, Réhahn chọn phố cổ Hội An để định cư sau khi lang thang qua hơn 35 quốc gia. Với phong cách cảm nhận kiểu “chọn nhiều ngày rồi mới bấm máy”, Réhahn được mệnh danh là “Người lưu giữ linh hồn nhân vật”. Nhiều tác phẩm của ông được đưa vào các bộ sưu tập ở bảo tàng Cuba chứ không riêng bảo tàng phụ nữ ở Việt Nam.
Nhưng không phải ai cũng lao động nghiêm túc như Réhahn, hoặc những tác phẩm chào đời được đối xử nghiêm túc như những gì Réhahn gặt hái được.
Ngay ở khu vực An Hội (Hội An), nơi Réhahn đang tự tin giới thiệu đến công chúng 40 tác phẩm của mình, cũng từng xảy ra vụ lùm xùm bởi một khách sạn dùng ảnh của hội viên CLB nhiếp ảnh Hội An in tráng và bán công khai. Chuyện đã gần 2 năm, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông hãy còn ngao ngán khi nhớ lại cảnh anh em phải cất công mật phục, bố trí lực lượng đón đầu từ Đà Nẵng (lab in tráng ảnh) rồi theo dõi về đến Hội An để biết ai là chủ thực sự của lô ảnh hơn 100 bức. Nhiều tình tiết truy tìm cứ gay cấn như phim về điệp viên 007. Nhưng chẳng vui khi phải theo dõi kẻ xài trộm ảnh của mình… Sau vụ này, lại thêm mấy trường hợp lẻ tẻ nữa bị phát giác tại Hội An. Riêng quán cà phê ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) còn copy ảnh quy mô hơn, in tráng đủ kích cỡ các tác phẩm của nghệ sĩ Quảng Nam và TP.Hồ Chí Minh, treo giá lên đến 800.000 đồng/bức. Khi bị chặn hỏi, nhân viên một mực bảo “không biết nguồn ảnh ở đâu”, coi như huề cả làng.
Tranh mỹ thuật cũng không khá hơn, mà đỉnh điểm phải kể đến vụ tranh luận liên quan đến tác phẩm “Trừu tượng” tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” hồi giữa cuối tháng 7.2016. Ban đầu, “Trừu tượng” được công bố là tác phẩm của Tạ Tỵ, vẽ năm 1952. Nhưng giới mỹ thuật toàn quốc chưng hửng khi họa sĩ Thành Chương lên tiếng cho rằng đó là tác phẩm của mình. Nhiều nhà phê bình còn đi xa hơn khi nhận định cả 17 tác phẩm đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đều là hàng giả, hàng kém chất lượng. Sau đó, ngay gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cũng lên tiếng không công nhận bức “Trừu tượng” kia. Chưa kể, bạn bè của họa sĩ Nguyễn Sáng cũng không tin bức “Cô gái” được ghi là tranh Nguyễn Sáng, vì họ không tin Nguyễn Sáng lại vẽ thứ tranh “kinh hãi” như thế (!).
Trong giới sáng tác, lâu lâu lại thấy rộ chuyện ông này nghi ông kia copy ý tưởng, nặng hơn thì kiện cáo đòi tác quyền. Nhưng vụ hậu kiểm đối với bức tranh “Trừu tượng” dù sao cũng dễ cho ra kết quả, bởi những họa sĩ liên đới đều thành danh, tác phẩm được biết đến rộng rãi. Còn với những trường hợp khác thì sao? Họa sĩ Trương Bách Tường (Hội An) từng chứng kiến cảnh tranh của mình bị ăn cắp rồi lại nhờ chính “đệ tử” của anh chép giùm. Anh bảo, đôi khi họa sĩ ngó nhau cười trừ khi thấy tác phẩm của mình bị ăn cắp. Đó là kiểu sao chép vụng, kiểu nhái (mượn tạm) bố cục, màu sắc. Những bức tranh phái sinh như thế khi tung ra bán cũng kiếm tạm được vài chục USD.
Người ta có thể mạnh dạn đưa những nếp nhăn, như trong tác phẩm của Réhahn, vào bảo tàng để tôn vinh giá trị nghệ thuật và công sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Giữa thời buổi thật giả lẫn lộn này, đôi khi một nếp nhăn chính hiệu cũng có thể làm “động lòng trắc ẩn” những kẻ chuyên ăn bám, để dần dà đưa những thứ na ná nếp nhăn ra khỏi ngôi đền nghệ thuật.
CHU THỤY