Văn hóa - Văn nghệ

Đùa với chữ

HỨA XUYÊN HUỲNH 31/03/2024 11:30

Chỉ vài dòng bình luận trên mạng xã hội của một đạo diễn phim mà nảy sinh rất nhiều ý kiến tranh cãi về ngữ nghĩa, cho thấy việc sử dụng tiếng Việt không thể tùy tiện...

nhan-dam-chu-nghia.jpg
Từ điển được cho là “trọng tài” để minh định trong quá trình sử dụng ngôn ngữ. Ảnh: H.X.H

Nhầm và... ngọng

Dòng bình luận mang tính giải thích cho tên nhân vật “Trùng Dương” trong phim Mai của đạo diễn Trấn Thành tạo nên cuộc tranh luận khá dài trên mạng xã hội. Và các chuyên gia ngôn ngữ cũng vào cuộc.

Đại loại, đạo diễn Trấn Thành khi nói về nhân vật Mai có nhắc đến 2 nhân vật khác: Bình Minh và Dương. “Đều là ánh sáng của đời Mai. Nhưng Bình Minh sẽ tươi sáng! Bên kia là Trùng Dương. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống!”.

Rất nhiều ý kiến phản đối về cách hiểu chữ “dương” (trong tên nhân vật Trùng Dương) liên quan đến ánh sáng. Đó là cách hiểu sai, vì chữ “dương” (昜, mặt trời) ở đây khác xa chữ “dương” (洋, biển) trong tên nhân vật Trùng Dương. Bởi từ ghép “trùng dương” (重洋) có nghĩa “biển cả liên tiếp nhau”, “đại dương tầng tầng lớp lớp”, “biển xa, đại dương cách trở hàng ngàn dặm”.

Có vị chuyên gia ngôn ngữ đã dẫn cụ thể Từ điển tiếng Việt của GS. Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng) và Bách khoa thư Baidu để truy nguyên 2 chữ “dương”.

Tôi cũng đồng ý về cách đặt vấn đề của ông, rằng chuyện viết sai trên mạng xã hội là điều bình thường nhưng nếu do một đạo diễn ăn khách, người dẫn chương trình nổi tiếng (như Trấn Thành sử dụng) thì báo đài, người đọc cần thiết phải vào cuộc phân tích, để cho việc sử dụng tiếng Việt được chính xác hơn.

Chuyện “dương” này bị nhầm (hoặc muốn hiểu) thành “dương” kia cho thấy tiếng Việt, nhất là từ Hán Việt, không phải lúc nào cũng viết – nói đúng.

“Cứu cánh” là một từ rất hay bị nhầm lẫn kiểu như vậy. Cứu cánh (究竟), nghĩa là “xét đến cùng cực, đến chỗ cùng cực” (Từ điển Hán - Việt, Nguyễn Tôn Nhan), “xét cùng” (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu). Ấy vậy mà, rất nhiều trường hợp “cứu cánh” được sử dụng với nghĩa… cứu giúp, giải cứu; dù cứu (究, trong cứu cánh) khác xa chữ cứu (救, cứu giúp). Đến nỗi, đã có cơ quan truyền thông khi ban hành bộ quy chuẩn chính tả đã “phân loại” rõ 2 chữ “cứu” này, để nhân viên khỏi nhầm lẫn.

Nhưng không chỉ nhầm lẫn, đôi khi chữ Hán Việt còn bị… ngọng.
Gần 1 năm trước, có nhà nghiên cứu khẳng định mấy chữ Hán trên lăng mộ Bố Cái đại vương Phùng Hưng ở quận Đống Đa (Hà Nội) bị viết sai.

Thay vì viết “lăng” (陵) Bố Cái đại vương, lại viết thành “năng” (能) Bố Cái đại vương. Hóa ra, do lỗi ở phát âm l/n vốn thường bắt gặp ở các tỉnh phía Bắc. Giờ thì chữ “lăng” đã được sửa, nguyên nhân nhầm lẫn cũng đã truy ra (công trình được xã hội hóa, thuê thợ làm nên không phát hiện sai sót).

“Trọng tài” từ điển

“Chuẩn hóa chính tả là một công tác cấp thiết hiện nay, một công tác khó và phức tạp, phải trải qua một quá trình, không thể làm ngay và dứt điểm cùng một lúc”, GS-TS. Nguyễn Cảnh Toàn đã viết như thế hồi năm 1987, khi tái bản công trình Từ điển chính tả tiếng Việt, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT).

Ông cũng dành vị trí quan trọng khi nói về công trình này. “Nó là người trọng tài để minh định các trường hợp từ tiếng Việt có vấn đề (hoặc có tranh chấp) về chính tả theo chuẩn mới nhất vừa được quy định. Vì vậy nó là công cụ của cán bộ, giáo viên, học sinh (nhất là học sinh từ cấp 2 đến đại học), của các tác giả, cán bộ biên tập xuất bản, báo chí, người viết văn bản trong ngành giáo dục”, ông viết.

Thật thú vị, ở ngay trong lời nói đầu, GS. Hoàng Phê (chủ biên) đã… tự “nói thêm cho rõ” về một ý diễn đạt của mình. Ông viết: “chính tả muốn thống nhất thì phải có chuẩn chính tả”. Ngay bên dưới, thêm ghi chú: “Nói “chuẩn chính tả” là theo thói quen, chứ thật ra là một sự lặp thừa, vì “chính tả” là “lối viết hợp với chuẩn”, trong “chính tả” đã bao hàm cái ý chuẩn rồi”.

Như vậy, một khi ngôn ngữ là hiện tượng sống và luôn phát triển, lại luôn cần chỉnh lý bổ sung… thì chắc chắn không tránh khỏi sự va đập trong đời sống. Vì thế, cần có “trọng tài”. Những người soạn ra các công trình “trọng tài” ấy đương nhiên rất cẩn mật, công phu, trách nhiệm. Thí dụ cụ Thiều Chửu.

Bộ “Hán Việt tự điển” quen thuộc của Thiều Chửu vốn được nhà in Đuốc Tuệ xuất bản từ năm 1942, đến nay đã qua hơn 10 lần tái bản. Ngay trong “Mấy lời nói đầu”, độc giả cảm nhận được sự khiêm cung lẫn nỗi vất vả của tác giả.

Ròng rã 5-6 năm “vắt hết cái óc cặn, vặn hết khúc ruột khô” như cụ khiêm cung tự nhận, bản thảo mới xong. Nhưng cụ “tự biết trong bộ tự điển này còn cơ man nào là sự lầm lặt, công không bù tội” nên tha thiết mong cầu các bậc cao minh phát tâm quảng đại xem xét, chỗ nào lầm thì sửa lại cho.

Cụ dẫn chứng, ngay Khang Hy tự điển vốn do vua Khang Hy để hết tâm trí vào đấy, cử một ban gồm ngót trăm vị đại khoa nguyên lão để biên soạn, ròng rã nhiều năm mới đem khắc bản… vậy mà sau đó vẫn có nhiều chỗ sai lầm.

Nếu biết được nỗi khổ tâm và vất vả này, hẳn chúng ta sẽ không dám tùy tiện khi sử dụng từ ngữ.

Thi thoảng vẫn thấy có trường hợp chuộng sử dụng từ “lạ”, làm sai lệch ý. Báo Quảng Nam từng phân tích về chuyện “loạn chữ”, như chữ “lây” trong chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” của Bộ Y tế hay đề xuất đổi tên “trạm thu giá” của Bộ GTVT.

Tất cả cho thấy, nhu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn là vấn đề thời sự. Và, không nên đùa với chữ. Với tiếng Việt, đấy luôn phải là mạch nguồn cảm xúc sâu thẳm, vừa nghiêm cẩn vừa tha thiết. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi” - như nhạc sĩ Phạm Duy từng san sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đùa với chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO