Đưa vốn về nông thôn

VIỆT NGUYỄN 07/08/2018 02:13

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2018/TT-NHNN (Thông tư 14) hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55). Đây được xem là cơ hội để các tổ chức tín dụng tháo gỡ vướng mắc, nới rộng các điều kiện để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng sản xuất.

Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen đang rất cần vay vốn theo Nghị định 55 để mở rộng quy mô sản xuất rau VietGAP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen đang rất cần vay vốn theo Nghị định 55 để mở rộng quy mô sản xuất rau VietGAP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cần vốn

Hàng chục hộ nông dân tập trung tại cánh đồng rau VietGAP An Hòa (xã Tam An, Phú Ninh) khiến không khí sản xuất sôi động. Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - hộ dân canh tác rau sạch cho biết, các loại rau hành, ngò, dền, xà lách, bí đao, khổ qua đem lại giá trị kinh tế khá cao cho gia đình nhờ sản phẩm có đầu ra ổn định. “Trước đây, chúng tôi lụi hụi trồng rau rồi phải tự tìm đến chợ chào bán rau sạch. Giá cả được chăng hay chớ vì càng để lâu rau càng héo rất khó bán. Chừ thì yên tâm vì có hợp tác xã thu mua rồi cung ứng ra thị trường theo đơn đặt hàng” - ông Tĩnh nói. So sánh với trồng lúa nước, ông Tĩnh khẳng định rau sạch đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Cụ thể, với 5 sào trồng rau sạch, gia đình ông có nguồn thu hàng chục triệu đồng/tháng. “Gia đình tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Ninh cho vay 20 triệu đồng để đầu tư trồng rau sạch. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà chúng tôi có điều kiện sản xuất hiệu quả như hôm nay” - ông Tĩnh nói.

Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được áp dụng tại Quảng Nam thông qua Nghị định 55 gồm cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và nuôi thủy sản; cho vay trồng rừng sản xuất; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Bà Hồng Thị Hải - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Sen (HTX Phú Sen) - đơn vị thu mua rau sạch của các xã viên là nông hộ thôn An Hòa cho biết, lượng rau không đủ cung ứng ra thị trường vì ngoài đặt hàng của các đơn vị, trường học, cơ quan có mặt trên địa bàn, rau sạch còn được cung ứng đến các chợ Tam Kỳ, Tam Đàn (Phú Ninh) và Quán Gò (Thăng Bình). “Chúng tôi rất muốn vay nguồn vốn lớn của các tổ chức tín dụng để đầu tư thêm thiết bị tưới tiêu tự động, giàn lưới che rau cũng như máy móc sơ chế để mở rộng sản xuất rau sạch. Tuy nhiên, rất khó vay vốn theo Nghị định 55 vì nhiều tài sản gắn liền với đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, vì vậy ngân hàng không chấp nhận lấy đó làm tài sản đảm bảo” - bà Hải nói. Ông Võ Thy Mô - Phó Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, nhờ sự đồng lòng của người nông dân, sự giúp đỡ nhiều mặt của ngành khuyến nông tỉnh, huyện, sự vào cuộc mạnh mẽ của các UBND xã và các tổ chức hội, đoàn thể mà cánh đồng rau sạch An Hòa mới có sức hút như ngày hôm nay. Rất mong ngành ngân hàng cho HTX Phú Sen vay vốn lớn để tổ chức mở rộng sản xuất, tăng thêm lợi nhuận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 trên địa bàn tỉnh là rất lớn vào thời điểm này. Theo thống kê mới nhất, hiện có 9.857 tỷ đồng được giải ngân để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm 21,17% tổng dư nợ (tăng 7,61% so với đầu năm, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm trước).

Tháo gỡ vướng mắc

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, trong một thời gian dài, tài sản gắn liền với đất không được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến các tổ chức tín dụng lẫn khách hàng khó ký được hợp đồng vay vốn lớn theo Nghị định 55. Tuy nhiên, với Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29.9.2017 (Thông tư 33), Bộ TN-MT đã có quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đai. Bởi vậy, các tổ chức tín dụng có đủ cơ sở pháp lý xem xét nhận tài sản bảo đảm đối với những tài sản gắn liền với đất. Để quy định này đi vào cuộc sống, tháo gỡ vướng mắc như đề xuất vay vốn theo Nghị định 55 của HTX Phú Sen thì cần sự đồng loạt vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức tín dụng. Từ đó, có “tiếng nói chung”, khơi thông vốn vay vào nông nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Quang Hổ cho biết thêm, riêng khu vực miền núi, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất rừng và đất trồng cây lâu năm đang gặp khó do người dân không đủ khả năng trả chi phí đo đạc. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất rừng, đất trồng cây lâu năm cho người dân miền núi để họ có thể tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55, đầu tư sản xuất thuận tiện hơn trong thời gian đến.

Theo ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi theo Nghị định 55. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14, có hiệu lực từ ngày 13.7, hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai thông suốt Nghị định 55 bằng nhiều biện pháp. Thứ nhất là tái cấp vốn hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai là hỗ trợ thông qua công cụ dự trữ bắt buộc. Cụ thể, áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hỗ trợ đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc nêu trên được áp dụng trong thời gian 6 tháng, xác định cho từng thời gian cụ thể. “Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn. Thông qua các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ, đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng nguồn vốn vay và có điều kiện hạ lãi suất huy động đầu vào, từ đó hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” - ông Nguyễn Văn Diện nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa vốn về nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO