Sau nhiều năm bươn chải với nghề buôn keo lai, buôn vải thiều, làm công nhân may..., năm 2017, anh Võ Hồng Vỹ ở thôn 3, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) về quê cùng với gia đình xây dựng xưởng may mặc áo quần, bước đầu hoạt động khá hiệu quả.
Hợp tác xã nông lâm nghiệp & dịch vụ Thuận Phúc giải quyết cho gần 70 lao động ở 3 xã vùng xa Lãnh - Ngọc - Hiệp và xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức). Ảnh: N.H |
Lập nghiệp ở quê
Để thực hiện ước mơ, anh Vỹ mạnh dạn bỏ ra hơn 500 triệu đồng thuê 350m2 đất cạnh tuyến đường ĐH 6 gần trung tâm xã Tiên Lãnh, đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy may công nghiệp và tuyển nhân công mở xưởng may gia công áo quần xuất khẩu với tên gọi Công ty May mặc Thuận Phúc. Bước đầu công ty mới thành lập gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ những năm lăn lộn trong nghề may mặc nên anh Vỹ đã từng bước khắc phục, đưa công ty ngày càng đi lên. Công ty May mặc Thuận Phúc đã liên kết với Công ty TNHH MTV Việt Tường Phát (Quế Sơn), Công ty TNHH MTV Minh Phương (TP.Tam Kỳ) và Công ty TNHH OBS Quảng Nam để nhập nguyên vật liệu và xuất khẩu áo quần.
Tháng 3.2018, sau gần một năm hoạt động, anh Vỹ chuyển sang thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp & dịch vụ Thuận Phúc để kinh doanh thêm các mặt hàng nông lâm sản, vườn ươm cây giống, trồng cây dược liệu... Anh tâm sự: “Cái khó nhất lúc mới thành lập công ty cũng như HTX sau này đó là công nhân may lành nghề ở địa phương rất khan hiếm, bởi họ đi ra thành phố làm ăn, phần lớn công nhân của công ty phải đào tạo lại từ đầu. Cùng với đó, tâm lý của những người dân vùng quê quanh năm làm nghề nông, bây giờ chuyển sang làm công nhân, họ còn khá bỡ ngỡ, tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn cũng có những thuận lợi là được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các đối tác liên kết làm ăn cũng giúp đỡ công ty ổn định nhập và xuất hàng. Công nhân là những người lao động nhà quê nên họ chăm chỉ, nhiệt tình, sáng tạo nên đã tạo ra những sản phẩm bền đẹp đảm bảo chất lượng”.
Mở rộng sản xuất
Tuy mới hơn một năm đi vào hoạt động nhưng HTX Nông lâm nghiệp & dịch vụ Thuận Phúc đã giải quyết cho gần 70 lao động tại địa phương. Bình quân, mỗi lao động được trả lương cố định 3,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền xăng xe, được bao cơm trưa... Một năm doanh thu của HTX ước tính gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm khoảng 20%. Anh Nguyễn Đình Nghĩa công nhân HTX quê Tiên Lãnh, cho biết: “Trước đây, tôi làm công nhân may ở TP.Hồ Chí Minh nhưng sau khi lập gia đình, có con nhỏ, tiền lương không đủ chi tiêu sinh hoạt nên tôi quyết định về quê, vào làm ở HTX nông lâm nghiệp & dịch vụ Thuận Phúc. Được làm gần nhà, lương tuy thấp hơn một ít so với thành phố, nhưng ổn định, tôi hy vọng HTX sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng để giải quyết việc làm cho người lao động chúng tôi…”.
Hiện HTX Nông lâm nghiệp & dịch vụ Thuận Phúc cũng đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục vay thêm 2 tỷ đồng từ Liên minh HTX Quảng Nam để mở rộng xưởng may lên khoảng 800m2, đầu tư mua sắm máy móc và thu hút thêm 100 lao động trên địa bàn. Ngoài ra, HTX cũng đang quy hoạch gần 1ha đầu tư trồng các loại cây dược liệu, mở rộng vườn ươm cây giống và thu mua, xuất bán các mặt hàng nông sản địa phương. “Ngoài việc kinh doanh, mục tiêu của chúng tôi là giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp, tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống” - anh Vỹ chia sẻ thêm. Được biết, nhằm tạo điều kiện cho HTX phát triển, xã Tiên lãnh cũng đang xem xét bố trí mặt bằng, hỗ trợ về các thủ tục hành chính, phối hợp đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động địa phương. “Việc đưa cơ sở may mặc về xã Tiên Lãnh của anh Võ Hồng Vỹ đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đang mở ra một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã, góp phần chung tay với chính quyền xây dựng thành công xã nông thôn mới” - bà Trần Thị Tuyết, quyền Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh nói.
NGUYỄN HƯNG