Năm Tự Đức thứ 18 (1850), đương là Tham tri Bộ Lại, cụ Phạm Phú Thứ được thăng bổ chức Thượng thư Bộ Hộ (tương đương Bộ trưởng Tài chính ngày nay). Cụ có ngay sớ tâu ngày 16 tháng 11 từ chối trọng trách này: “Thần được nghe sắc mạng hết sức sợ hãi” vì “xét rằng chức quan Thượng thư Bộ Hộ, bên trong trù tính kinh phí hằng năm của quốc gia, bên ngoài nắm giữ sự trừ bị nơi biên giới, mức co giãn, phân ly có quan hệ đến lợi ích quốc gia, những quốc kế đó liên hệ đến dân sinh, nếu không phải là bậc cựu đức, thì cũng phải là người có tài năng thông suốt, lý lẽ mới có thể xứng đáng với sự tuyển dụng đó”.
Bộ sách Phạm Phú Thứ toàn tập do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. |
Tiếp đó, ông ca ngợi những “bầy tôi có tài năng lão luyện”: Nguyễn Bá Nghi, Vũ Trọng Bình, Trần Tiễn Thành, những “viên chức có thanh vọng nổi tiếng xưa nay” như Phan Thanh Giản, những “vị quan lớn sáu bộ trước đây”: Vũ Đức Nhu, Phan Huy Vịnh. Cụ Phạm khiêm cung tự nhận xét mình: “Thần đây tài năng khí độ rất kém, kinh nghiệm còn ít, lại được ơn đào tạo chu đáo, bổn tâm của thần không dám khinh thường quan vị, nhưng mà học kém tài hèn, rất sợ làm việc vấp váp”. Tác giả sớ tâu dẫn chứng mình thua kém những viên chức đồng liêu trong ngoài về tài năng quản lý (như Nguyễn Chánh) hoặc về thông suốt lý lẽ (như Thân Văn Nhiếp) và cho rằng nếu bản thân được “lạm hưởng ân vinh, xếp vào hàng chính khanh, nắm giữ vấn đề quốc khóa dân sinh, dù lòng ngu muội đến đâu cũng phải hổ thẹn”. Không chỉ vậy, cụ còn mạnh dạn đề xuất nhà vua: “Xin thu hồi ân điển triều đình, thương cho sự ngu muội của thần, hoặc cho cùng được làm trong bộ đó, hoặc dời đi giữ chức vị ở tỉnh Bình Phú, được nhường lại cho người hiền tài”. Theo cụ, “như thế may mắn tránh được sự hiềm nghi vô căn cứ”. Cuối bản tấu, cụ Phạm bộc bạch: “Đó là tấm lòng thành thực của thần, không dám vẽ vời dối trá, cũng không dám hy vọng cầu cạnh chức vị bên ngoài, để mưu đồ yên thân, kiếp này mưu toan báo đáp còn dài, tấm lòng nhỏ mọn, kính xin soi xét”.
Danh nhân Phạm Phú Thứ từng nổi tiếng là người “Quảng Nam hay cãi”. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), cụ có bản sớ tâu can ngăn nhà vua đừng say mê ca nhạc, hát xướng ở hậu cung mà cần phải tới giảng đường và chăm lo công việc chính trị. Do việc này mà ông bị cách chức, đưa đi làm lính trạm ở Thừa Nông (Thừa Thiên). Theo GS. Đinh Xuân Lâm, cụ Phạm cũng là người thể hiện đức khiêm cung tuyệt vời của “một nhà Nho chân chính, một trí thức tiêu biểu cho những truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. |
Xin được chép ra đây châu phê của vua Tự Đức về bản sớ tâu nói trên: “Khanh giữ chức tại khoa đạo đã lâu, làm việc cũng mẫn cán, so với Phan Tam Tỉnh hơi giống nhau, với Tôn Thất Dao thì đã trễ, đó cũng là từ từ lên từng bậc một, không phải là lạm. Nay các quan chức phần nhiều khiếm khuyết, nếu lại cứ câu nệ, thì người nào có thể làm được”. Vua yêu cầu: “Khanh nên tuân mạng làm hết chức vụ, đừng có nhân nhượng vô ích, lòng khanh quyết nhiên không bao giờ dám cẩu thả làm điều phi pháp”. Đồng thời nhẹ nhàng “phê bình” nhược điểm của một bầy tôi trung tín: “Nết nể nang khó xử, đó là một cái kém, phải nên đổi đi... Trẫm đây đương cái trách nhiệm vua và thầy dạy, xấu tốt không thể không rầy la thẳng thắn, để thành nhân tài, khanh nghĩ có đúng không? Khâm thử”. Đúng là, nhà vua quá hiểu tâm tính của “cán bộ” nên mới có được những lời phê thấu lý đạt tình như vậy. Đức khiêm cung của cụ Phạm Phú Thứ còn thể hiện trong hành động xin nhường vị thứ (nhượng ban) cho một đại thần khác là Trần Tiễn Thành. Trong sớ tâu ngày 28 tháng 5, Tự Đức thứ 21 (1868), cụ nhấn mạnh đức khiêm cung của người quân tử: “Lễ nhường là đạo lý của nước, hòa mục là cái tượng của việc sắp đặt trong triều. Kính Hoàng thượng lấy lễ sai khiến bề tôi, tiếp đãi kẻ dưới thì nghĩ đến khiêm cung” và không quên nhắc lại tấm gương ngày trước: Cần chánh Đại học sĩ Trương Đăng Quế trong chỗ đứng ban chầu thường nhường cho Đông các Đại học sĩ Võ Xuân Cẩn. Cụ Phạm tự nhận thấy mình không xứng đáng được đứng ở vị trí cao: “Thần đối với chức chính khanh các bộ là kẻ hậu tiến, nhớ đến việc giữ chức quan nghĩ về pháp luật thì việc tự chăn dắt mình vốn cũng đã tự biết; huống lỗi lầm chưa có kỳ hạn chuộc, phải nên lẳng lặng chờ, há dám có một mảy may a tòng theo bè đảng đem ý xằng mà tâu xin”, “Cùng là hàng bề tôi nhưng thần vì thân tật tội được ở hàng bên hữu. Xưa nói rằng: người khổ không tự biết. Thần trộm rất xấu hổ vậy”. Ông ca ngợi đại thần Trần Tiễn Thành công lao khó nhọc và đề đạt nhà vua: “Chuẩn cho bề tôi Trần Tiễn Thành đứng bên hữu mà thần đứng sau”. Ông lý giải: việc này “khiến cho rõ được giáo hóa về sùng nhượng của triều đình nhà Ngu được lưu truyền ngoài xa xôi, mà thần cũng may mắn thoát khỏi sự chê trách là tên người Hán gom củi đứng ở trên”.
Năm 61 tuổi, cụ Phạm Phú Thư xin về nghỉ và mất. Thương tiếc một bề tôi và cũng là người thầy của mình, nhà vua cho truy phục thực thụ hàm Nhất phẩm với tước Vinh Lộc Đại phu trụ quốc Hiệp biện Đại học sĩ và hết lời ngợi khen: “Viên này từng trải nhiều khó nhọc, sang Trung Quốc, sang Tây, tuy sức yếu không từ chối; việc thương chính ở Hải Dương lúc mới mở ra bèn vâng mệnh đi ngay, công việc đều xong xuôi, về sau có thể noi gương được. Tỉnh Quảng Yên dân xiêu tán, giặc giã quấy rối lâu năm, kinh lý cũng dẹp yên; lập đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa, đó là công lao tài năng ngày thường rực rỡ đáng nêu”. Một con người tài năng lỗi lạc như vậy mà lại rất khiêm cung thì quả thật là “Nam Trung hiếm có” như lời ban tặng của vua Tự Đức!
VÂN TRÌNH