Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, các địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch lại các bãi cát sạn. Vừa qua các địa phương cũng như cơ quan chức năng đã đồng loạt tiến hành kiểm tra, siết chặt việc khai thác cát, xử lý mạnh các tàu thuyền hút cát trái phép trên sông, nghiêm cấm, không cho các ghe thuyền vận chuyển cát trang bị dụng cụ hút cát như máy bơm, ống hút…, ra “tối hậu thư” cho một số chủ bến bãi tập trung cát tạm thời đến ngày 30.9.2017 phải chấm dứt hoạt động.
Tại hai mỏ cát ở thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc) đang có hai doanh nghiệp được phép khai thác rồi vận chuyển về đổ tại bãi cát thôn Giao Thủy (xã Đại Hòa, Đại Lộc). Ở phía tây, đối diện với Giao Thủy là bãi cát Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) cũng có một doanh nghiệp đang khai thác rất quy mô tại đoạn sông Thu Bồn ngay trên địa bàn xã. Trước đây, cát tại hai bến bãi này có giá từ 50 đến 60 nghìn đồng/m3. Lấy cớ bị “kiểm tra, siết chặt”, từ ngày 1.7.2017, các chủ nậu hai bến bãi này “hét” giá cao ngất ngưởng. Tại bãi cát Kiểm Lâm, chủ nậu hô 135 nghìn đồng/m3, còn ở bãi cát Giao Thủy họ đẩy lên tới 150 nghìn đồng/m3. Đó là giá ngay tại bến bãi chứ các xe vận chuyển đi trong phạm vi chừng 10km thì giá từ 180 đến 200 nghìn đồng/m3.
Đã bao đời nay, nhiều người dân sinh sống ở các làng ven đôi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia luôn bám đất, giữ làng, ra sức trồng tre, trồng bói, trồng các cây cối phù hợp để chống sạt lở nhằm bảo vệ xóm thôn, ruộng đồng. Họ sống ngay bên những bãi cát vàng mịn bóng của chính quê hương họ nhưng do chấp hành chủ trương của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương, họ không dám tự tiện lấy cát để xây nhà cửa mà phải mua lại từ các chủ cát được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác. Bây giờ lợi dụng việc kiểm tra, dẹp bỏ nạn sa tặc, những ông chủ được khai thác hợp pháp lại “đục nước, béo cò”, tự nâng giá cát lên cao ngất ngưởng thì làm sao những người nông chân lấm tay bùn quanh năm lam lũ đang sống ở hai bên các dòng sông có điều kiện xây được nhà? Siết chặt và quản lý các hoạt động khai thác cát là động thái tích cực của lãnh đạo tỉnh nhằm ngăn chặn nạn sa tặc lâu nay lộng hành, song các cơ quan có thẩm quyền lại thiếu sự quản lý, buông lỏng việc giám sát đầu ra tại các bến bãi không chỉ gây thất thu nguồn thuế tài nguyên, môi trường mà còn để các chủ nậu tự tung, tự tác, nâng ép giá gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy các cơ quan chức năng của địa phương phải có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này để người tiêu dùng không bị thiệt thòi, nhất là đối với bà con nông dân đang sinh sống ngay bên những bãi cát của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn.
THÁI MỸ