Hồ Anh Thái dẫn dắt người đọc đến miền kỳ ảo qua tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên”. Ở đó, những phận đời với nỗi đau không của riêng ai, soi chiếu từng ngóc ngách, chừng như lạ mà rất quen, chừng như đã gặp đâu đó trên đường đời...
“Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái về xứ thiêng Ấn Độ do NXB Trẻ ấn hành đầu năm 2022. Văn hóa Ấn ăn sâu vào máu và huyết quản nhà văn Hồ Anh Thái.
Trước khi học tiến sĩ văn hóa Phương Đông tại Mỹ, nhà văn đã ròng rã sáu năm liền (1988 - 1994) học thạc sĩ và nghiên cứu ở Ấn Độ. Nhà văn từng nói: Văn hóa Ấn cuốn hút, ám ảnh, mê hoặc... đã bập vào sẽ nghiện đến mức khó dứt ra được.
“Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” viết về cuộc đời của ba nhân vật chính. Chuyện Đức Phật vốn là hoàng tử rời bỏ hoàng cung đi tìm chân lý trở thành Đấng Giác Ngộ chỉ đường cho chúng sanh sửa mình, xóa bỏ hận thù.
Chuyện cô gái nghèo hèn đẳng cấp thấp bị nhà giàu cưỡng hiếp, sau đó bất đắc dĩ trở thành nữ tướng cướp Manju - chúa đảo. Nữ chúa đảo có cách trả thù rất đặc biệt: Nhà giàu đẳng cấp cao bị tịch thu tài sản, bọn đàn ông cưỡng hiếp phụ nữ thì bị cắt… công cụ gây án.
Tất cả người bị hình phạt được đưa lên đảo lao động công ích. Những người đàn ông sau khi bị xử sẽ có giọng nói the thé đặc trưng. Họ vô hại và vô tính. Lúc chịu hình phạt họ đã bị nhét khúc xương bò vào miệng. Bò là vật linh thiêng, kẻ ngậm xương bò sẽ bị ô uế bẩn thỉu và mất đẳng cấp. Ở Ấn Độ, mất đẳng cấp là mất tất cả.
Chuyện điệp viên Govinda vốn con nhà dòng dõi quyền quý, do đi tìm người yêu mà phải cải trang thành khất sĩ gia nhập giáo đoàn. Giả nhà sư nên anh ta còn sở thích ăn cá rán và hay đến khu đèn đỏ…
Bên cạnh các nhân vật chính còn có các nhân vật khác như Hoàng Hậu, Quý Phi, viên phó tướng, vị bác sĩ, cô cháu gái… Những phận đời bất hạnh trong một đất nước đầy rẫy sự ghen ghét, hận thù, bất công, cái xấu cái ác hoành hành. Ước mơ về một xã hội tươi đẹp hơn: “Chỉ ở dưới quyền cai trị của một vị vua tốt và hùng mạnh thì gia đình mới có cuộc sống xứng đáng, có gia phong và hạnh phúc êm đềm”.
Cuối cùng thì cái ác cũng bị diệt trừ nhưng vòng tròn hận thù lẩn quẩn chưa thể nào hóa giải. Nữ chúa sau khi thỏa hiệp trở thành sư lại bị mũi tên độc bắn lén, chết lãng xẹt do uống thuốc cầm máu nhưng nhầm thuốc máu không đông… Phật chỉ hướng dẫn chỉ đường, mỗi người đều có bản ngã chẳng ai giống ai.
Cái kết tiểu thuyết đầy ám ảnh. Cô gái xinh đẹp non tơ mơn mởn trở thành độc nhân được cha nuôi dâng vua làm nhiệm vụ cao cả: vật hiến tế. Độc nhân chỉ sử dụng một lần. Quá ghê rợn! Nhưng muốn có một đất nước tốt đẹp chỉ có cách diệt trừ ông vua hung ác.
Chỉ bằng hơn hai trăm trang sách, nhà văn Hồ Anh Thái đã tái hiện khái quát lịch sử về Đức Phật, mượn chuyện đời của một số nữ tướng cướp Ấn Độ trong lịch sử để xây dựng nhân vật nữ chúa Manju ấn tượng. Bức tranh một xứ sở muôn màu vẻ của xã hội phân chia đẳng cấp: hèn hạ và cao thượng, độc ác và từ bi, thù hận và yêu thương tha thứ.
Cho dù dựa trên nền lịch sử Ấn Độ nhưng “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” thú vị ở ngôn ngữ được Việt hóa tối đa, pha chút hài hước. Cô gái nghèo đẳng cấp thấp ở Ấn Độ cứ như cũng hiện diện trên cồn bãi sông cù lao nào đó ở ta.
Người giàu có ức hiếp kẻ yếu hèn như ở một nơi nào đó ở ta. Bao bất công, ghen ghét, hận thù… Ở đâu, cái xấu cái ác như cỏ dại sinh sôi nhưng không thể thoát khỏi luật nhân quả.
Nhà văn sử dụng ngôn ngữ như múa bút, một trò chơi xếp đặt con chữ. Ta có cảm giác rằng với tiểu thuyết này, nhà văn Hồ Anh Thái như tung ra nắm hạt giống trên mảnh đất tốt tươi, chờ cho chúng đơm hoa kết trái rồi thủng thỉnh nhặt lại vậy.