Dựng bảo tàng, giữ mùi hương...

XUÂN HIỀN 04/12/2023 13:00

(VHQN) - Mỗi làng nghề sẽ làm được một bảo tàng theo đúng nghĩa lưu giữ truyền thống độc đáo của chính xứ đất mình. Bởi, chức năng của bảo tàng, đầu tiên là để hồi sức cho một phần đời sống lại. Bảo tàng Làng Chài Xưa (Phan Thiết, Bình Thuận) khiến người ta liên tưởng đến “phần đời” của những bảo tàng trong cuộc sống đương đại. 

Bảo tàng Làng Chài Xưa. Ảnh: X.H
Bảo tàng Làng Chài Xưa. Ảnh: X.H

Là tôi chạnh lòng nghĩ vậy, khi lạc bước vào những bảo tàng sản vật đặc biệt trên khắp dải đất Việt. Từ bảo tàng nước mắm đến bảo tàng trầm hương, bảo tàng âm thanh, bảo tàng cà phê, xem chừng chính hương vị của mỗi đặc sản mới là thứ quấn quýt mỗi người. Nó làm người ta nhớ lâu, nhớ sâu hơn nơi mình đã dừng chân. 

Chạm vào thanh âm

Có một bảo tàng đặc biệt khác ở vùng cao nguyên Trung phần, nơi khi chạm tay vào đá, vào gỗ sẽ mang đến những thanh âm đặc biệt. Bảo tàng âm thanh tại Công viên địa chất Đăk Nông đang dần làm nên dáng dấp của một Tây Nguyên qua chính âm thanh. Ở đó, với 8 gian triển lãm của 7 chủ đề: âm thanh của đá, âm thanh của lửa, âm thanh của gió, âm thanh của nước, âm thanh của gỗ, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của chúng ta.

Nhóm nghệ sĩ Pháp mang tên Scenocosme đã hỗ trợ để sáng tạo riêng cho Bảo tàng âm thanh Đăk Nông những nhạc cụ độc đáo, được tích hợp công nghệ hiện đại, thông qua sự tương tác và năng lượng của người chơi để phát ra âm thanh.

Du khách sẽ được trải nghiệm và tương tác với các dụng cụ phát ra âm thanh, bên cạnh thưởng thức những trình tấu từ các nghệ nhân...

Nước mắm khiến người ta liên tưởng đến vị biển. Nó cũng dựng lên trong lòng người một ý niệm tự tôn mang tên Tổ quốc - là Tổ quốc nhìn từ biển. Nên cái sản vật, đôi hồi là thứ biểu lộ gần gụi nhất của tình yêu đất nước thiêng liêng. Yêu cái quê xứ mình nên mới có những người cố để giữ lấy cái hồn cốt dân tộc, qua chính sản vật.

Đó cũng là lý do để TS.Trần Ngọc Dũng - chủ nhân Bảo tàng Làng Chài Xưa (Phan Thiết, Bình Thuận) từ Pháp trở về để dựng lại trên chính đất này lai lịch nước mắm cùng đời sống của người xứ biển. 

Gần như dựng lại những không gian làng chài từ thuở sơ khai, lúc người Chăm còn sinh hoạt ở ngôi tháp Pô Sah Inư hay những dáng hình người đàn bà Chăm xưa với cách ủ chượp truyền thống, cho đến từng hiện vật được bày biện theo lớp lang trong 16 nghìn mét vuông, để người ta không hề cảm giác về một không gian thừa. Từ câu chuyện người đàn bà Chăm đến lịch sử nước mắm Phan Thiết với bề dày 300 năm, nguồn tư liệu dư sức làm nên những bộ phim tài liệu lý thú.

Đoạn ông tổ nghề Trần Gia Hòa - người được vua Nguyễn ban tước quan bát phẩm do có công khai sinh nghề làm nước mắm, thì câu chuyện về những tĩn gốm đựng nước mắm trét kín nắp bằng vôi, dán nhãn vuông, được chở bằng ghe bầu từ sông Cà Ty đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ ra tới miền Trung, miền Bắc và chiếm thị phần lớn nhất cả nước được dựng lại ở Bảo tàng Làng Chài Xưa không chỉ bằng tư liệu hình ảnh, hiện vật mà còn bằng chính những lời kể của nghệ nhân. Ông Trần Ngọc Dũng mang cả nghệ nhân làng nghề nước mắm vào bảo tàng, để hồi sinh tên gọi “mắm Tĩn” nức tiếng một thuở của xứ Phan Thiết.

Bảo tàng âm thanh Đăk Nông. Ảnh: B.T.AT
Bảo tàng âm thanh Đăk Nông. Ảnh: B.T.AT

Với kiến văn của người đã đi khắp năm châu, trong các nghiên cứu của ông Trần Ngọc Dũng về xu hướng phục hồi nghề truyền thống ở Pháp, Ý, Úc, Nhật đã nhận ra rằng, phải truyền tải cho được câu chuyện đặc sắc về lịch sử hình thành của chính sản phẩm. Liệu đó có phải là lý do để nước mắm Phan Thiết có câu chuyện của riêng mình, được gói ghém trong không gian Bảo tàng Làng Chài Xưa? 

Ngay trong Bảo tàng Làng Chài Xưa, cạnh dãy thùng chượp đang ủ muối và cá, là chiếc bàn bày các loại nước mắm khác nhau. Nghệ nhân sẽ hướng dẫn du khách cách phân biệt hương vị đậm đà tuyệt ngon của loại nước mắm tĩn không chất bảo quản, với 40 - 41 độ đạm, khác các loại nước mắm đã qua pha chế.

Mỗi du khách đến với bảo tàng, khi ra về, quà tặng là chai nước mắm tĩn vừa bằng 2 ngón tay, nhưng mùi thơm đủ kéo về ký ức của mấy chục năm trên đời. Và đã có rất nhiều người móc hầu bao để được mang về rất nhiều chai nước mắm tĩn khác, để mang mùi ký ức này san sẻ cho bạn bè, người thân. Cách Bảo tàng Làng Chài Xưa kinh doanh sản vật làng nghề nước mắm Phan Thiết, có lẽ nên được nhiều làng nghề khác học theo. 

Nếu không quá chú tâm vào các khái niệm, quy định, có thể dễ dàng thấy tại xứ Quảng, mỗi làng nghề cũng đang có cho riêng mình một... “bảo tàng”. Những đứa trẻ Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) sẽ dễ dàng chỉ cho du khách về một nhà sinh hoạt ở nơi được mệnh danh là “Làng nghệ thuật cộng đồng”.

Những sắp đặt khéo léo về các hiện vật của nghề đi biển, nghề làm mắm của người làng, đủ để mở ra một lời giới thiệu về đặc sản của Tam Thanh. Nó khiến người ta có cái nhìn trọng thị hơn về một vùng quê biển biết giữ lấy lai lịch của làng mình. 

Để thấy, đâu cần bảo tàng nào cũng phải được công nhận có hàng ngàn hiện vật, có giá trị hàng trăm triệu năm. Vì phần lớn các bảo tàng “đời” hơn ta tưởng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dựng bảo tàng, giữ mùi hương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO