Đừng cam kết và hứa... dây dưa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/06/2023 07:33

Trong đời thường hẳn ai rồi cũng có lần hứa, cam kết làm chuyện này chuyện kia.

Có bao người, bao việc thì bấy nhiêu kiểu hứa. Nào là các kiểu hứa đại, hứa suông, hứa liều, hứa lèo; ngược lại là hứa như thề có trời cao đất dày làm chứng, hứa như đinh đóng cột, hứa chắc bắp, chắc nịch...

Có khi hứa nhiều rồi quên, hoặc làm không đúng cam kết.

Có khi cam kết mà dây dưa thực hiện, nên trễ tiến độ thì hứa lại, hứa mãi.

Nhiều kiểu, nhưng đại thể nhóm hai loại hứa và cam kết theo chữ tín.

Giữ tín thì hứa và thực hiện.

Bất tín thì hứa mà không làm.

Tại sao bỗng dưng lại bàn về chữ hứa? Ấy là vì trên diễn đàn nghị trường Quốc hội tuần qua, đã có phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Phạm Đình Thanh ở Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị giám sát cả việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ (theo bản tin Truyền hình Quốc hội Việt Nam ngày 27/5).

Đúng rồi, các vị trong nội các, và cả đại biểu của dân, khi nhận chức trách nhiệm vụ đều đã từng hứa, từng cam kết với chương trình hành động, thì nên có giám sát. Thực chứng nhiều lời hứa, cam kết đã được thực hiện, nhưng cũng không ít người hứa mà không làm, hoặc làm không đúng, nên giám sát để có cơ sở đánh giá mà bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm nếu cần.

Ở tầm cấp quốc gia hay địa phương, gần đây chúng ta thấy công việc trì trệ nhiều, và Quốc hội cũng đã bàn thảo về chuyện ấy, rằng có cán bộ “sáng cắp ô đi, tối vác về”, cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Mà rồi hệ lụy nhãn tiền là việc công bê trễ; nhiều lời hứa, cam kết với dân cũng không được thực hiện, la không thấu trời.

Nói đâu xa, ở báo Quảng Nam gần đây nhận thêm nhiều đơn từ của dân kêu đòi phản ánh giúp về khiếu nại đủ loại quyền lợi, nhất là đất đai, giải tỏa đền bù. Thanh tra tỉnh cũng từng cho biết đã nhận được nhiều đơn thư của công dân phản ánh, kiến nghị về việc UBND huyện Núi Thành và các cơ quan liên quan chậm giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Rồi không ít vụ tiếp công dân, đã chốt hạ thời gian phải giải quyết, nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết.

Tình trạng đáng lo là nhiều cam kết tiến độ các dự án không được thực thi. Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ cam kết giải phóng mặt bằng nên chẳng thể thi công và vốn không giải ngân được. Trong khi Quảng Nam và nhiều tỉnh đang xảy ra chuyện đó, thì mới đây lại có vị đứng đầu tỉnh Bình Định dám hứa trước dân trong cuộc tiếp xúc cử tri rằng nhà máy thép Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường (!?).

(Bí thư tỉnh này hứa: “Nếu sau này nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường”, vậy ai sẽ giám sát lời hứa này, và sẽ xử lý trách nhiệm ra sao khi có sự cố?).

Trở lại bàn thảo về lời hứa và cam kết. Trong việc công, hứa và cam kết cần phải thể hiện trách nhiệm cao của người thực thi công vụ. Hứa mà không làm thì phải chịu chế tài. Đã hứa, đã cam kết thì đừng để “một lần bất tín, vạn lần bất tin”, và “nói lời phải giữ lấy lời/ đừng như con bướm, đậu rồi lại bay”. Đối với đại biểu của dân, qua những lần tiếp xúc cử tri, càng phải giữ lời hứa với dân khi ứng cử.

Có câu hát trong bản nhạc của Vũ Thành An, đã biến thành câu cửa miệng “hứa cho nhiều rồi lại quên”. Nhưng trong nghệ thuật, tình yêu gắn nỗi sầu vì thất hứa là chuyện khác, còn trong đời sống kinh tế - xã hội, nếu lời hứa có sức nặng “cơm áo gạo tiền”, nước mắt, khổ đau thân phận, thì chữ tín là điều tối thượng phải giữ. Cần coi lời hứa, cam kết là “bài không tên cuối cùng” để hành động, để thực thi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đừng cam kết và hứa... dây dưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO