Trong tiếng Việt, từ di sản là từ Hán Việt, ghép bởi chữ di (遺) nghĩa là để lại và chữ sản (產) nghĩa là tài sản, vật thể có giá trị. Di sản, vì thế nghĩa là tài sản để lại, còn lại. Nghĩa từ này, nhắm trúng vào đối tượng chủ thể là những giá trị đã từng có, quá vãng, không còn hiện hữu đầy đủ.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng (Huế), di sản văn hóa được dịch thoát nghĩa từ tiếng Pháp, là patrimoine, tức “giá trị còn lại”, trong đó, giá trị được hiểu là những vật chất, vật thể gắn liền với ký ức văn hóa lịch sử, các giá trị văn hóa ẩn tàng, gắn kết theo cùng, thậm chí ẩn ức.
Việc nhìn nhận những giá trị văn hóa truyền thống, đã từng tồn tại trong quá khứ lịch sử, để lập thành những hồ sơ di sản, là cần thiết và chính xác. Cần nhìn các giá trị văn hóa ở những góc cạnh và phương diện khác nhau, không nên cứng nhắc ở một góc nhìn hay từ dùng.
Thậm chí nếu chỉ nhìn vấn đề văn hóa ở một hướng, đó là biểu hiện tính ám thị trong nhận thức văn hóa truyền thống. Vấn đề văn hóa sẽ chỉ bị soi chiếu ở góc nhìn quá khứ, các giá trị cố hữu mà quên đi các giá trị đổi mới, được cập nhật và bổ sung cho phù hợp với bối cảnh xã hội hơn.
Đơn cử với quần thể di sản văn hóa phố cổ Hội An, thì những nhà cửa kiến trúc tồn tại qua lịch sử, là di sản văn hóa, nhưng những kiến trúc ấy phải gắn liền, đi cùng với phong cách, tập tục lối sống, sinh hoạt của người dân phố Hội, gắn với các ẩn ức, tâm lý văn hóa… mới thực sự có giá trị.
Như thế, giá trị văn hóa từ di sản kiến trúc đi vào cuộc sống hàng ngày, phải được nhìn nhận ở độ ứng biến linh hoạt, thay đổi tương thích. Đó chính là tài sản văn hóa, chứ không phải di sản văn hóa nữa.
Chữ tài (財) nghĩa là những giá trị vật chất cụ thể, trong từ tài sản, hàm nghĩa chính xác hơn về những giá trị văn hóa đang tiếp tục được lưu giữ và phát triển. Đây chính là những giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu, trân trọng từ lịch sử, được đúc kết qua thời gian và hoạt động sinh hoạt văn hóa đời sống, nhưng không hề mai một, cứng nhắc, mà được biến thiên, thay đổi phù hợp hơn. Các giá trị văn hóa được thể hiện ở góc nhìn này, sẽ đầy đủ và hợp lý hơn so với chỉ nhìn nhận ở góc nhìn “di sản”.
Từ điểm này, có thể thấy, cần có cách nhìn nhận thỏa đáng hơn về từ dùng giá trị văn hóa truyền thống, không nên chỉ cứng nhắc với từ “di sản” mà nên có sự thay đổi từ dùng hợp lý hơn, là “tài sản văn hóa”.
Khi nhìn nhận vấn đề ở góc cạnh này, có thể dễ dàng thấy được khác biệt giữa công tác bảo tàng (lưu giữ những cái đã có, từng tồn tại ở lịch sử, đến nay không còn sử dụng nữa) với bảo tồn (gìn giữ, phát huy những giá trị, vật thể vẫn đang tồn tại, được sử dụng)… Hai chữ di sản trong hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vì thế cần hết sức tinh tế để sử dụng và cần được thay thế trong bối cảnh cụ thể.