Sở Công Thương đang tiến hành đợt cao điểm kiểm tra ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành quản lý. Theo ghi nhận của phóng viên, gần như kiểm tra đến đâu thì… phát hiện sai phạm đến đó.
Biết, nhưng bất chấp
Ngay từ đầu, ông Lê Cần - Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra đã nhấn mạnh rằng, kiểm tra với mục đích tuyên truyền là chính, do hầu hết cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều nhỏ lẻ, manh mún. Trường hợp nào đã được QLTT nhắc nhở nhiều nhưng vẫn tái phạm mới xử lý, tránh gây ảnh hưởng và cản trở buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương. Tuy nhiên, thiện ý của ông trưởng đoàn đã không được đền đáp, khi ngay trong ngày đầu ra quân, cả 3 cơ sở sản xuất kinh doanh đều vi phạm. Điều đáng nói, cả 3 nơi này vừa bị xử phạt hoặc vừa nhắc nhở cách đây không lâu cũng với hành vi vi phạm ATVSTP, không niêm yết giá đầy đủ…
Hầu hết hàng hóa tại các cửa hàng tạp hóa không được niêm yết giá đầy đủ.Ảnh: THỤC ANH |
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh Phước Lộc Thọ (đường Thanh Hóa, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ) chuyên sản xuất rượu vodka, rượu Nếp Hương, chủ cơ sở Nguyễn Thị Hà cho biết đang tạm dừng sản xuất do làm ăn thua lỗ, song vẫn tiếp tục bán ra thị trường những sản phẩm có trước đó để thu hồi nợ. Điều đáng nói, dù cơ sở tạm dừng nhưng nhìn điều kiện cơ sở vật chất để sản xuất rượu, nhiều người không khỏi lo ngại với những sản phẩm được đưa ra thị trường trước đây. Khu chứa chai lọ để đóng gói chất trong những bao tải nhỏ ngoài chái bếp; khu ủ men, nấu và sang chiết rượu trong cùng khu vực sinh hoạt của gia đình… Cách đây 2 tháng, Đội QLTT TP.Tam Kỳ cũng đã xử phạt 5 triệu đồng đối với cơ sở này, do lỗi ghi thông tin sai lệch trên nhãn hàng hóa.
Tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Đạt Tâm (khu Tân Lập, chợ Tam Kỳ), đoàn kiểm tra không khỏi rùng mình khi chứng kiến khu vực sản xuất bánh liền kề với nhà vệ sinh luôn trong tình trạng mở cửa; bàn chế biến bánh kiêm bàn đựng đồ linh tinh của chủ nhà, không có dụng cụ che đậy, bảo quản bánh. Lao động trực tiếp chế biến bánh cũng không đeo khẩu trang, găng tay… Đặc biệt, nhãn hàng hóa, số tiêu chuẩn không đúng với chứng nhận, số tiêu chuẩn mới được cấp ngày 20.11.2012 (số 108/2006/YT-QNa-CNTC). Bà Đỗ Thị Uyên Thảo, chủ cơ sở sản xuất viện lý do: “Chúng tôi đang chuẩn bị sửa chữa nhà, xây dựng lại khu sản xuất tách biệt với sinh hoạt gia đình. Còn nhãn hàng hóa đang được cơ sở cho in ấn lại dù đã gần nửa năm được cấp mới giấy chứng nhận”.
Chưa thể mạnh tay
Các cơ sở sản xuất thực phẩm đã vậy, các địa điểm kinh doanh cũng đầy lỗi vi phạm mỗi khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. Hầu hết cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh đều không niêm yết giá đầy đủ, nhất là 10 mặt hàng trong danh mục bình ổn giá.
Nhưng lo ngại nhất vẫn thuộc về các quán ăn vỉa hè. Chỉ với vài chiếc ghế con, gánh bún trộn, bánh gói, bánh bèo của bà N.T.C. (đường Nguyễn Thái Học, Tam Kỳ) lúc nào cũng đông khách. Vỉa hè hẹp, lại gần ngã ba đông xe cộ qua lại bụi bặm nhưng rổ rau sống, rổ bún, thau bánh bèo của bà C. chỉ được che đậy sơ sài. Bà C. có thói quen dùng tay trần bốc bánh, rau rồi cũng bàn tay đó rút tiền thối cho khách. Tương tự với các quán nhậu vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt, đường Bạch Đằng, khu vực ngã ba Trường Xuân… Tại những quán này, nguyên liệu chế biến các món nhậu như gà, vịt, lòng heo, lòng bò không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo P.T.T. (chủ quán nhậu khu vực ngã ba Trường Xuân), anh thường lấy gà, vịt từ mối quen ở chợ Bà Hòa (phường Hòa Hương) nên không rõ thực phẩm đã được kiểm dịch, gia cầm có bị bệnh hay không. Rượu thì lấy từ cơ sở sản xuất thủ công ở xã Tam Ngọc, được khách hàng ưa chuộng và không thắc mắc gì, giá rượu tương đối “mềm”…
Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ nhỏ lẻ có liên quan đến lĩnh vực ATVSTP trên địa bàn toàn tỉnh tương đối lớn. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn quen mua sắm tại điểm thuận tiện đường đi lại, giá rẻ… dù biết rõ nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Cung – cầu “níu” nhau như vậy, nên kiểm tra đâu cũng thấy sai phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các đoàn kiểm tra là… không thể gặp đâu phạt đấy. Chưa kể, các vi phạm về ATVSTP đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, thời gian kéo dài; trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải đình chỉ lưu thông hàng hóa nghi có vi phạm. Trường hợp mẫu không phát hiện vi phạm sẽ gây nhiều khó khăn cho người kinh doanh, kéo theo trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng trong việc làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. “Do vậy, tiêu chí mỗi khi đi kiểm tra của chúng tôi là tuyên truyền nhắc nhở là chính. Hiện nay, Chi cục QLTT đang đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ máy thử nhanh, từ đó mới hy vọng công tác kiểm tra hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới” - ông Lê Cần, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, cho biết thêm.
CHIÊU THỤC ANH