Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) những tháng đầu năm không xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, không vì thế mà các lực lượng chức năng, chủ và người sử dụng phương tiện chủ quan vì “sóng ngầm” sông nước sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường về an toàn tính mạng của rất nhiều người.
Thực tế, nguy cơ tiềm ẩn có thể gây tai nạn giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh ẩn hiện khắp nơi. Ven biển, những con tàu, chuyến đò, phà đưa người qua lại Cù Lao Chàm (Hội An) rồi Tam Hải (Núi Thành) sẽ gặp bất trắc nếu an toàn kỹ thuật phương tiện không đảm bảo, người điều khiển phớt lờ các quy định, quy tắc an toàn giao thông.
Tương tự, đò ngang Ông Đốc (Điện Bàn) hay Phú Thuận (Đại Lộc) - Duy Tân (Duy Xuyên) cũng dễ gặp nguy hiểm nếu chở quá số người quy định, hành khách ngồi lộn xộn lại còn không sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh. Qua Nông Sơn, đò ngang từ Đại Bình vận chuyển học sinh, người dân qua trung tâm xã Quế Trung để học tập, buôn bán hoặc đi làm cần phải được chính quyền địa phương nhắc nhở, yêu cầu tuân thủ việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Đừng để lúc kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện thì đò đã quá hạn đăng kiểm cả tháng trời.
Vừa rồi, Sáu Còi tình cờ gặp lại một người quen sinh sống tại xã Đại Chánh (Đại Lộc). Trong cuộc thăm hỏi, anh đã kể lại câu chuyện cũ cách đây khoảng hơn hai mươi năm, tang thương ập xuống gia đình khi chị gái bị chết đuối do tai nạn chìm ghe tại hồ Khe Tân. Lần ấy, chị của anh cùng bà con, xóm giềng đi trên một chiếc ghe để vào rừng kiếm củi. Trên đường quay về, ghe còn cách bờ chừng vài chục mét thì bị va đập bởi đá, cây cối chìm dưới lòng hồ khiến đò tròng trành và lật úp. Khoảng 5 người bị chết đuối thương tâm, một số người khác may mắn thoát ra và bơi được vào bờ.
Nhắc lại vụ tai nạn tại hồ Khe Tân, Sáu Còi lại cảm thấy bất an cho độ an toàn của ghe thuyền đang qua lại trong lòng các hồ chứa nước, hồ thủy điện tại Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn hay Nam Trà My, Bắc Trà My, kể cả hồ Phú Ninh. Vị trí và phạm vi hoạt động của chúng khó kiểm soát. Trong khi đó, loại phương tiện này thường có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người rất ít khi được địa phương quan tâm yêu cầu tuân thủ pháp luật.
Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ĐTNĐ quy định, phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm của phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người không mang theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không đăng ký lại phương tiện theo quy định hoặc không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; không kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện theo quy định; không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện. Tuy nhiên, việc tự giác tuân thủ của chủ ghe hầu như rất ít, còn người có trách nhiệm lại không mấy “mặn mà” kiểm tra, xử phạt...