Không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông (ATGT) dẫn đến tai nạn thương tâm vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã để lại những hệ lụy đau lòng.
Lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT tỉnh thăm, động viên gia đình nạn nhân Nguyễn Bá Thành (xã Quế Thuận, Quế Sơn) tử vong do TNGT. Ảnh: CÔNG TÚ |
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nên, trú thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) có hai con trai là Minh Hải và Minh Phương bị tử vong do TNGT. Hàng ngày, bà Nên vừa lo toan công việc gia đình vừa phải chăm lo đưa đón các cháu đi học. Ôm 4 đứa cháu nội còn nhỏ dại, bà Nên thắp nén nhang trước di ảnh hai con trai bạc mệnh, nước mắt lăn dài trên gương mặt đã héo hon vì tuổi tác, vì nhọc nhằn và trên hết là nỗi đau đã vĩnh viễn mất đi hai người con trai là trụ cột chính của gia đình. Bà Nên chia sẻ, cách đây 28 năm, chồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại bà hai đứa con trai còn nhỏ dại. Một mình bà phải bươn chải ngược xuôi nuôi nấng hai con trưởng thành, xây dựng gia đình, sau đó cả hai vào tỉnh Bình Dương làm công nhân xưởng gia công gỗ. Vào tối 26.7.2017, hết giờ làm, anh em chở nhau bằng xe máy đến đón hai người vợ chuẩn bị tan ca cùng về, rủi thay xảy ra tai nạn với một ô tô tải chạy cùng chiều khiến Minh Hải và Minh Phương tử vong. Nghe tin như sét đánh ngang tai, bà Nên đau đớn tột cùng. Nỗi đau “cảnh đầu bạc đưa tiễn đầu xanh” càng quặn thắt khi hai anh em ruột mất đi, để lại 4 đứa con thơ, đứa lớn nhất chỉ mới 8 tuổi. Hiện tại, người vợ của anh Minh Hải tiếp tục làm công nhân tại Bình Dương, còn vợ của anh Minh Phương về quê học nghề may để xin làm công nhân, cùng mẹ chồng nuôi con cháu còn thơ dại.
Mấy tháng nay, căn nhà nhỏ của anh Phạm Ngọc Anh ở thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến (Núi Thành) nghi ngút khói hương tưởng nhớ người vợ trẻ - chị Ngô Thị Lành, cũng là trụ cột kinh tế trong gia đình. Ở góc khuất, người mẹ già ngoài 80 tuổi ngậm ngùi thương nhớ về người con hiếu thảo. Vào một buổi sáng đầu tháng 7.2017, trên đường đi làm, chị Lành không may bị xe tải đâm phải, tử vong. Không chỉ để lại nỗi đau, chị Lành ra đi còn để lại khó khăn cho gia đình khi chồng chị đang phải chống chọi với căn bệnh xơ gan, không đủ sức lao động nuôi mẹ già và con gái mới 10 tuổi. Gần cuối tháng 9 vừa qua, trên đường đi làm, khi qua điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, chị Võ Thị Lương Khoa ở khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh (Tam Kỳ) bị tàu hỏa cán tử vong, để lại người mẹ nuôi, người chồng bệnh tật và hai con đang tuổi ăn học.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, tính đến hết tháng 10.2017, cả nước có hơn 7.000 trường hợp tử vong do TNGT (trung bình mỗi ngày 24 trường hợp). Riêng tại Quảng Nam, trong 10 tháng xảy ra 179 vụ TNGT, làm chết 121 người, bị thương 134 người. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 54.467 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; gồm: 2.185 ô tô khách, 16.747 ô tô tải, 671 ô tô kéo sơ-mi rơ moóc, 1.687 ô tô con, 33.074 mô tô, 103 phương tiện khác. Lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt 52.309 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước thu tổng số tiền 19,89 tỷ đồng; tước có thời hạn 1.704 giấy phép lái xe. Lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ 4.990 phương tiện vi phạm để xử lý. Số liệu thống kê trên cho thấy, thực trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm pháp luật là rất cao, nguy cơ gây TNGT luôn hiện hữu. |
Ngoài những trường hợp đã nêu ở trên, còn biết bao hoàn cảnh thương tâm xảy đến với các gia đình do TNGT. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê chia sẻ: “Trên địa bàn tỉnh, nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, hậu quả để lại rất nặng nề; cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch. TNGT không chỉ khiến nạn nhân trả giá bằng sức khỏe hay sinh mạng, mà còn tạo nên thảm cảnh đau lòng cho người ở lại, đồng thời gây thiệt hại rất lớn cho xã hội trong việc khắc phục”. Như trường hợp gia đình ông Trần Quốc Thành ở khối phố Phú Trung, phường An Phú (Tam Kỳ). Cuối năm 2016, con trai ông Thành là Trần Thanh Trà làm phụ hồ ở tỉnh Ninh Thuận tự té ngã khi tham gia giao thông dẫn tới bị liệt toàn thân. Vợ chồng ông Thành đã đưa con đi nhiều bệnh viện để chữa chạy nhưng đều vô vọng. Các bác sĩ đầu ngành có chung kết luận Trần Thanh Trà bị dập tủy sống cổ. Vậy là từ một thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, TNGT đã khiến cho Trà phải nằm một chỗ, gia đình mất đi một chỗ dựa tin cậy, xã hội mất đi một lao động trẻ. Hay trường hợp Lê Văn Tiến, học lớp 5 Trường Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, xã Điện Hồng (Điện Bàn) bố mẹ đều qua đời trong một vụ TNGT. Nếu không có sự cưu mang của người bác (ở thôn Đa Hòa Bắc, xã Điện Hòa) không biết cuộc sống của em sẽ ra sao.
Vì sao TNGT lại trở thành thảm họa đau lòng đến vậy? Ai có thể đẩy lùi vấn nạn này? Không ai khác, chính mỗi người trong cộng đồng với ý thức của mình mới làm được việc này. Bởi các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể có thể đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt… cũng không có nhiều tác dụng, nếu mỗi người không tự nhận thức được mối nguy hiểm từ TNGT luôn chực chờ. Hãy nhìn vào nỗi đau của người ở lại để rút kinh nghiệm cho mình, đừng vì nhanh một giây mà chậm cả đời.
CÔNG TÚ - VIẾT TUYÊN