Những sản phẩm du lịch văn hóa của phố cổ Hội An sẽ nhàm chán nếu không có sự đổi mới và xã hội hóa các nội dung hoạt động.
Các gánh hàng rong tăng nhanh, lấn chiếm vỉa hè, nguy cơ gây mất vệ sinh, phá vỡ không gian “Đêm phố cổ”. Ảnh: AN NHIÊN |
Nhiều điều cần suy ngẫm
Sau hơn 15 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ” và 10 năm “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” tại phố cổ Hội An, các đề án trên vẫn phát huy giá trị, trở thành một sản phẩm du lịch - văn hóa nổi bật của di sản. Gần đây, lượng khách đến với “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” ngày càng đông, kèm theo nhu cầu mua sắm tăng cao. Đây là điều đáng mừng, tuy nhiên hệ lụy kéo theo là sự đáng lo khi chất lượng hoạt động không còn đúng như mục đích ban đầu đề ra. Trong các chương trình lễ hội, người ta hay dẫn “Đêm hội phố hoài”, nhưng mãi thế thì thành ra đêm hội... hát hoài.
Tại lễ tổng kết, tọa đàm 16 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ” và 10 năm “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” vào đầu tháng 10, UBND TP.Hội An cũng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, vài năm gần đây các đề án đã có dấu hiệu “thỏa mãn”, chủ quan, xuống cấp, thiếu kiểm tra đôn đốc… nên dẫn đến sự nhạt phai trong mắt người dân và du khách. Tại lễ tổng kết, đại diện chính quyền, cư dân phố cổ và cộng đồng du lịch cam kết sẽ toàn tâm, toàn ý sáng tạo để hai sản phẩm “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” luôn hấp dẫn, trở thành một thương hiệu mạnh toàn cầu. |
Là một trong những người trực tiếp xây dựng 2 đề án nói trên, đồng thời tổ chức thực hiện các chương trình trong thời gian qua, ThS. Phùng Tấn Đông - chuyên viên Trung tâm VH-TT Hội An nói: “Đã 15 năm, vấn đề trình diễn theo tôi là không nên nữa mà nó phải trở thành tập tục, thói quen, nói chung nó tan vào đời sống thiết thân hằng ngày. Thứ hai là có một số nội dung cũng nên điều chỉnh vì diễn quá trở thành nhàm”. Vì thế, “chuyên gia lễ hội” Phùng Tấn Đông đề xuất phải tìm những vốn cổ bị mai một để phục dựng như những thú chơi dân gian, diễn xướng dân gian. Hơn nữa, vấn đề là phải điều tiết ích dụng, ích lợi của người dân trong phố cổ với các hoạt động của chương trình.ư
Tại không gian “Đêm phố cổ”, việc trưng bày, kinh doanh các sản phẩm hàng lưu niệm, giày dép, túi xách... trên lề đường, trong một số di tích vẫn chưa vào nền nếp. Các gánh hàng rong tăng nhanh, đua nhau lấn chiếm vỉa hè, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng ngày càng nhiều trang thiết bị hiện đại làm cho không gian “Đêm phố cổ” bị nhạt nhòa; các điểm giữ xe phát sinh trong khu phố cổ lại thiếu sự quản lý. Các khu vực ẩm thực thiếu đôn đốc kiểm tra, hàng gánh không đảm bảo số lượng, không niêm yết giá; hiện tượng dắt xe máy ra khỏi khu phố cổ luôn diễn ra vào thời gian trước khi kết thúc hoạt động khoảng 30 phút.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An thừa nhận, có những cái ngay từ đầu rất ấn tượng mà những người thực hiện đã bỏ qua. Ví dụ như những người hoạt động, buôn bán cần phải mặc trang phục truyền thống, đặc biệt là ánh sáng trong khu phố cổ cũng cần phải quy định nghiêm ngặt. Thêm vào đó, khi nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân và du khách có nhiều thay đổi thì các nội dung hoạt động của đề án cũng cần phải được đổi mới, nâng tầm. “Cuộc sống đương đại, nhu cầu của người dân và du khách trong khu phố cổ đã có những thay đổi nhưng mà chúng ta thiếu định hướng, thiếu hướng dẫn thì “Đêm phố cổ” sẽ nhạt nhòa. Do đó trước hết là bộ máy, xốc lại lực lượng” - ông Phùng nói thêm.
Trách nhiệm giữ gìn “thương hiệu”
Thực tế cho thấy, những năm gần đây các di tích tập thể trong khu phố cổ thường xuyên đóng cửa, vì thế một phần nội dung hấp dẫn của đề án đã giảm đi. Chất lượng nội dung của các nhóm hoạt động thiếu đổi mới, còn nặng về tính trình diễn nên chưa thực sự thu hút người xem. Mặt khác, do tình hình giá cả thị trường ngày càng tăng, định mức chi thù lao hoạt động cho lực lượng nghệ nhân, cộng tác viên không theo kịp trượt giá nên chất lượng nghệ thuật cũng vì thế mà có phần không đảm bảo.
Chủ tịch UBND TP.Hội An - Lê Văn Giảng nói: “Gần đây, một số cơ quan, đơn vị liên quan lơ là quản lý, kiểm tra, nhắc nhở, góp ý nên đã làm cho không gian “Đêm phố cổ” giảm sút sự lung linh, huyền ảo, mất dần tính tĩnh lặng, yên bình”. Còn với “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”, mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa đồng tình ủng hộ, một số người vẫn chạy xe máy trong khu phố cổ khi dự án đang thực hiện.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - Hồ Tấn Cường, các sản phẩm trên “đã có tuổi” rồi, do đó Sở VH-TT&DL cùng với TP.Hội An cần chủ động xây dựng hạ tầng dịch vụ đảm bảo mang tính đồng bộ cho cả không gian phố cổ. Trong đó điều chú tâm nhất là phải giữ gìn được nếp sống xưa nhưng các phương tiện dịch vụ phục vụ du khách phải đảm bảo hiện đại, đảm bảo tiện nghi và tiện nghi đó không phá vỡ không gian. Cũng theo ông Cường, người dân trong phố cổ phải nâng cao trách nhiệm vì họ là người quyết định cho sự thành bại của chương trình. Một vấn đề rất quan trọng nữa, Hội An và Sở VH-TT&DL phải đặt vấn đề với các công ty, doanh nghiệp lữ hành trong việc định hướng cho du khách thẩm nhận giá trị của các sản phẩm văn hóa du lịch này. Để 2 đề án trên ngày càng phát huy giá trị, cần phải xã hội hóa các hoạt động để mọi tầng lớp nhân dân, du khách, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, địa phương cùng có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cho những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Hội An.
QUỐC HẢI