Được biết, chủ đề thực hiện Năm ATGT 2017: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. Thực tế hiện nay, một số người đi đường coi thường quy tắc chung; không ý thức được phía trước tay lái là cuộc sống, phía sau tay lái là lương tâm và trách nhiệm.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Ngọc Sơn, để hạn chế tình trạng trên một cách hiệu quả, cần đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền trong thời gian đến. Đó là: Tuyên truyền trực diện hành vi vi phạm như thế sẽ bị xử phạt mức độ nào; đưa lên trang báo danh sách người vi phạm trật tự ATGT, nhất là cán bộ, công chức, viên chức. Đại diện lãnh đạo Ban ATGT tỉnh giải thích, đơn vị đã phối hợp thường xuyên với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Quảng Nam và nhiều cơ quan truyền thông khác để kịp thời đưa tin các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh; đưa tin, bài, phóng sự, phỏng vấn và các vấn đề liên quan về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những bài viết, tin bài, phóng sự phần lớn mang tính phản ánh là chính. “Chẳng hạn, chúng ta nói người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm là sai; khuyến cáo họ phải tuân thủ. Cho nên, cần thiết phải ghi thêm nội dung: “hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng” - ông Lê Ngọc Sơn đưa ví dụ để chứng minh.
Đại diện Ban ATGT tỉnh bày tỏ rằng, tình trạng lái xe không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu; người điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; học sinh, sinh viên không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển mô tô, xe gắn máy chở 3 - 4 người, lạng lách, đánh võng; người điều khiển xe trên đường bộ băng qua đường sắt không chú ý quan sát đang diễn ra phổ biến. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền trực diện phải đẩy mạnh, đổi mới thường xuyên, nhất là trên báo chí. Thời gian đến, những người có trách nhiệm nên xem xét, đưa lên mặt báo, truyền thanh, truyền hình đối tượng vi phạm trật tự ATGT, cách làm mà nhiều tỉnh, thành đang triển khai cho thấy rất hiệu quả. Có thể khẳng định, việc đăng tải rất tốt, vấn đề là cơ quan chức năng có cung cấp danh sách chi tiết hay không mà thôi.
Vi phạm tốc độ dẫn đến tai nạn chết người đang chiếm phần nhiều, vậy mà hễ cứ cầm tay lái thì họ phóng nhanh, vượt ẩu. Hành vi đó vừa rất nguy hiểm cho tính mạng, vừa bị phạt nặng. Trong đó, người điều khiển mô tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 10km/giờ đến dưới 20km/giờ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; quá tốc độ quy định hơn 20km/giờ bị phạt tiền từ 3 đến 4 triệu đồng. Do đó, người điều khiển xe hãy cẩn trọng, đừng để “tiền mất, tật mang”.
SÁU CÒI