Sông Thu vốn hiền hòa và đẹp. Ở đoạn cuối dòng sông sắp ra cửa Đợi càng đẹp đến nao lòng. Lần nào ngang qua đó, tôi cũng cố dành giây lát dừng lại nhìn những gọng rớ, cọng dừa, màu sóng nước xanh ven sông, dập dềnh tàu thuyền từ bến An Lương dọc lên Duy Nghĩa… Nhưng bỗng chốc mấy ngày qua, dòng sông bị mang khăn tang, trắng cả ngày đêm thao thức tìm vớt những con người xấu số lâm nạn.
Cái chết này không phải lỗi của dòng sông, không tự dưng mà đến. Nhớ hồi lụt lớn năm 1998, 1999, sau những cơn hồng thủy tôi về những làng quê cuối sông Thu thấy những bờ bến lở, tan nát. An Lương cũng tang thương. Từ Hội Sơn, Duy Nghĩa cuộn vào phía Hồng Triều qua Trường Giang xác xơ những rẻo dừa nước, những ngôi nhà sụp, trâu bò chết từ thượng nguồn tấp về, cũng có người mất tích dạt trôi.
Đau thương là vậy nhưng vì chuyện thiên tai nên chỉ biết trách trời. Còn lần này, chỉ trong vòng 3 tháng, từ phía đầu nguồn là Vu Gia về tới cuối nguồn Thu Bồn, hai vụ chìm ghe làm 11 người chết, đều có nguyên do sự bất cẩn của con người, thật đau xót! Thương đau hơn, vụ trước chìm ghe trên đoạn sông dễ tìm, còn lần này, tai nạn xảy ra ở đoạn sông sâu và rộng, suốt cả ngày rưỡi và hai đêm trắng huy động nhiều lực lượng mới tìm đủ thi thể 5 người mất tích, người cuối cùng tìm thấy ở An Lương.
Nói về tai nạn giao thông đường thủy, thì đã không thiếu cảnh báo nhưng tại sao những cái chết vẫn xảy ra? Đã nhiều vụ đeo tang cho các dòng sông, từ Mỹ Cang, Trường Giang, Cà Tang, Vu Gia, Thu Bồn,… Tôi thấy y như rằng mỗi khi có tai nạn giao thông đường thủy xảy ra thì những người đại diện ngành chức năng sau khi đến chia sẻ với thân nhân người gặp nạn, về lại cứ “phán” nào là chế tài xử phạt vi phạm an toàn chưa đủ mạnh, đủ răn đe, nào quản lý giao thông đường thủy bất cập… rồi sau đó đâu lại vào đấy, chỉ trong vòng ba tháng mà hai vụ tai nạn thương tâm cho thấy những lời “hò hét” ấy lặp lại đến nhàm một sự cảnh báo.
Cái chính là phải tự mỗi người mỗi nhà biết phòng bị, tránh rủi ro, không có chính quyền nào đủ sức lo trang bị cho tất cả người dân trong mọi tình huống, ngay cả khi đi lại, qua sông vì kế sinh nhai, hay những lúc phấn khích bỗng có người muốn tìm thú vui câu cá, thả thuyền uống rượu rong chơi trên miền sông nước. Những chiếc phao cứu sinh là thứ cần có trong mỗi chiếc ghe thuyền, việc kiểm soát trang bị phòng ngừa cứu hộ phải thường xuyên ở vùng có cảnh báo nguy hiểm. Còn việc quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường thủy đâu đó có mắt xích lơi lỏng, trước hết là ở cơ sở cần thì phải “đi từng ngõ gõ từng nhà” để biết chắc phương tiện nào cũng phải bảo đảm được trang bị vật dụng cứu hộ. Việc ấy không khó gì đâu, như trong đợt phòng dịch Covid-19 cho thấy nếu sâu sát thì không có gì lọt qua được những “đôi mắt canh cửa” từ chính cộng đồng.
Cả nghĩ về buổi qua sông định mệnh đó, nếu sớm có lời cảnh báo, can ngăn quyết liệt từ những người biết chuyện trong cộng đồng khi dự cảm tình huống có thể gặp nguy hiểm, ắt hẳn các chàng trai trẻ ở Duy Nghĩa đã tránh được sự chủ quan nông nổi mà khỏi nhận lấy tai nạn thương tâm. Bây giờ còn nói được gì khi cái chết đã thành nỗi đớn đau ám ảnh với dải khăn tang trên dòng sông Thu (!?).Tuổi thơ tôi từng có lần ngụp lặn trên sông bắt hến, bơi qua biền hái dưa, bơi dọc theo bờ tre râm mát nên cảm nhận được cái thú vui được sống với sông nước quê nhà. Nhưng người bạn thời tuổi thơ đã chết, vì chủ quan nên mắc kẹt khi ham bắt tôm càng xanh trong hóc hờm mà ngột hơi.
Dòng sông không có lỗi. Phù sa và nước ngọt của sông đã tưới tắm cho cuộc đời cư dân châu thổ Thu Bồn. Đừng đeo khăn tang nữa cho những dòng sông!